Fica
  1. Quốc tế

Chuyển động giá dầu, dòng vốn: Nỗi ám ảnh đối với tài chính toàn cầu

Mai Chi
Mai Chi

VDSC lo ngại, quá khứ từ hai cuộc khủng hoảng tài chính đang trở về. Tại Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, khoản nợ nước ngoài khổng lồ đã khiến đồng nội tệ trong nước rơi tự do.

Biến động thị trường tài chính toàn cầu trong quý II/2018

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong báo cáo tiền tệ vừa mới phát hành thì những biến động mạnh trên thị trường tài chính đã bắt đầu từ cách đây vài tháng.

Hàng loạt đồng tiền mất giá trong khi thị trường cổ phiếu lao dốc. Argentina, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rõ điều này nhất khi đồng nội tệ liên tục mất giá so với đồng bạc xanh. Điều này do ảnh hưởng lo sợ từ khối nợ ngoại tệ khổng lồ của quốc gia.

Theo quan điểm của VDSC, giá dầu, dòng tiền và nợ công, nguyên nhân chủ yếu của các cuộc khủng hoảng trong quá khứ, một lần nữa đe dọa sự ổn định tài chính của thế giới.

Chính sách bình thường hóa tiền tệ của FED là điểm khởi đầu. Trong khi quá trình giảm bảng cân đối kế toán đang diễn ra, chi phí lãi vay đang dần tăng lên. Áp lực lên dòng vốn đầu tư toàn cầu được thúc đẩy bởi cải cách thuế của Hoa Kỳ. Điều này thúc đẩy dòng tiền hồi hương về Mỹ.

Tuy nhiên, theo VDSC, căng thẳng thương mại ngày càng leo thang là một điểm mấu chốt khi những tác động khó lường có thể tạm thời kìm hãm dòng tiền đổ vào các thị trường mới nổi và đang phát triển. Do đó, các nhà đầu tư cần thời gian để thích nghi với thay đổi này.

Trong khi kinh tế toàn cầu đang ghi nhận những thay đổi cơ bản, việc giá dầu tăng cao càng khiến tâm lý bi quan gia tăng. Trong tháng 11, Mỹ đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran lần thứ 2 liên tiếp. Ngày càng có nhiều quốc gia tuyên bố sẽ ngừng nhập khẩu dầu thô của Iran.

Ba bài học lớn từ quá khứ

Dẫn lời Mark Twain “lịch sử không lặp lại nhưng chúng thường diễn ra một cách đồng điệu”, VDSC lưu ý, quỹ đạo chuyển động của giá dầu và dòng vốn đã từng là nhân tố chính dẫn đến cuộc khủng hoảng Mỹ Latinh 1980s và khủng hoảng tài chính Châu Á 1997-1998.

Bắt đầu với cuộc khủng hoảng Mỹ Latinh 1980s. Điểm khởi đầu bắt nguồn từ sự vỡ nợ của Mexico năm 1982, theo sau bởi Argentina, Bolivia Brazil và Ecuador. Trước đó, các quốc gia kể trên đã đẩy mạnh vay mượn trên thị trường quốc tế với lãi suất và nghĩ về những bước nhảy mạnh mẽ. Chính phủ các nước đã thông qua kế hoạch công nghiệp hóa với trọng tâm phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng.

Trong bối cảnh nền sản xuất trong nước chưa phát triển và tỷ lệ tiết kiệm thấp, thâm hụt tài khóa và thâm hụt thương mại như hậu quả tất yếu. Một nền kinh tế phụ thuộc vào dòng vốn nước ngoài đã bị tổn thương sâu sắc bởi hai mũi tên, gồm khủng hoảng dầu thô và tăng lãi suất. Sau cùng, cuộc khủng hoảng Mỹ Latinh đã xảy ra.

Nhìn sang diễn biến khủng hoảng tài chính Châu Á 1997-1998, nhân tố mới xuất hiện mang tên “dòng vốn đầu cơ”. Một thị trường vốn mở cửa sâu rộng cùng khoản nợ nước ngoài của Chính phủ tăng cao đã khiến nền kinh tế nhiều nước trong khu vực Châu Á chịu tổn thương trước rủi ro từ bên ngoài. Dầu thô tăng cao, dòng vốn đảo chiều và nợ công bùng phát tiếp tục trở thành tâm điểm. Sự thành công của hai quỹ đầu cơ, Soros’ Quantum Fund và Julian Robertson’s Tiger Fund, là minh chứng rõ nhất cho vai trò của các nhà đầu cơ trong cuộc khủng hoảng này.

VDSC lo ngại, quá khứ đang trở về. Tại Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, khoản nợ nước ngoài khổng lồ đã khiến đồng nội tệ trong nước rơi tự do.

Tại ASEAN, đồng tiền của Indonesia và Malaysia cũng giảm giá mạnh khi Nhà đầu tư e ngại các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn được tài trợ bởi nợ nước ngoài. Một số nền kinh tế rủi ro khác cũng đứng trước yêu cầu phải tái cân bằng môi trường kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, ảnh hưởng của giá dầu lên lạm phát đang tạo áp lực đè nặng hoạt động điều hành chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Winston Churchill từng nói rằng những người không học hỏi từ lịch sử, sẽ lặp lại sai lầm của lịch sử. Theo quan điểm của VDSC, có ít nhất ba bài học từ lịch sử, bao gồm 1) Kiểm soát chặt chẽ nợ nước ngoài và tăng dự trữ ngoại tệ, 2) Theo dõi tiêu dùng hộ gia đình và lạm phát, đặc biệt là lạm phát chi phí đẩy do tác động từ giá dầu và 3) Nhận thức về việc mở thị trường vốn.

Mai Chi