Theo tờ báo này, nhiều công ty quản lý tài sản như Invesco Ltd. gần đây đã đẩy mạnh tích tụ các trạng thái sẽ mang lại lợi nhuận trong trường hợp đồng Nhân dân tệ tiếp tục giảm giá. Trong khi đó, những công ty quản lý tài sản như Muddy Waters Researchs và Blue Orca Capital LL đã tuyên bố bán khống cổ phiếu Trung Quốc.
Xu hướng bán khống Nhân dân tệ và chứng khoán Trung Quốc nổi lên trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung-Mỹ leo thang và nền kinh tế Trung Quốc có nhiều dấu hiệu của sự giảm tốc.
"Nếu Trung Quốc hứng chịu một chương trình áp thuế quan tiếp theo của Mỹ, thì đó sẽ là một cú sốc kinh tế lớn hơn so với những gì mà các bạn đã chứng kiến ở châu Á trong năm 2015 và 2016", chiến lược gia vĩ mô cấp cao James Ong thuộc Invesco phát biểu. "Điều đó có thể thách thức sự kiểm soát tỷ giá của Trung Quốc ở một cấp độ lớn hơn".
Nỗi lo chiến tranh thương mại đã khiến chứng khoán Trung Quốc chao đảo trong những tháng gần đây. Từ đầu năm, đồng Nhân dân tệ đã giảm giá 5% so với USD, trong khi chỉ số Shanghai Composite Index của chứng khoán Trung Quốc giảm 17%.
Nhờ đó, giới đầu cơ đã kiếm được khoảng 7,1 tỷ USD nhờ bán khống cổ phiếu Trung Quốc và Hồng Kông - theo ông Ihor Dusaniwsky, trưởng bộ phận phân tích dự báo thuộc S3 Partners.
Trên thực tế, bán khống chứng khoán Trung Quốc và Nhân dân tệ là một trong những giao dịch phổ biến nhất ở Phố Wall trong những năm gần đây, nhưng cũng mang lại nhiều "đau thương" cho giới đầu cơ.
Mới năm ngoái, việc bán khống những tài sản này đã khiến các nhà đầu cơ điêu đứng, bởi chỉ số Shanghai Composite Index và đồng Nhân dân tệ cùng tăng 7%, trong khi chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông tăng 36%. Những cú tăng này đã khiến các nhà bán khống thua lỗ gần 35 tỷ USD - theo S3.
Ông Kevin Smith, nhà sáng lập của Crescat Capital, một công ty quản lý tài sản có trụ sở ở Denver, là một trong những người lỗ nặng vì bán khống chứng khoán Trung Quốc và Nhân dân tệ năm 2017. Quỹ đầu cơ vĩ mô toàn cầu của ông Smith giảm 23% trong năm ngoái, đánh dấu cú giảm tồi tệ nhất trong lịch sử 12 năm của quỹ.
Wall Street Journal nói rằng một nguyên nhân khiến giới đầu cơ thua lỗ khi bán khống chứng khoán Trung Quốc và Nhân dân tệ là họ đánh giá không đầy đủ khả năng của Bắc Kinh trong việc ổn định nền kinh tế và thị trường tài chính. Bắc Kinh hiện vẫn nắm quyền kiểm soát chặt chẽ đối với tỷ giá Nhân dân tệ, thanh khoản trong hệ thống tài chính, và giữ các biện pháp kiểm soát dòng vốn ngặt nghèo. Tất cả những công cụ này đã được Trung Quốc sử dụng để vực dậy tỷ giá Nhân dân tệ sau cú phá giá hồi năm 2015.
Hôm thứ Sáu vừa rồi, Bắc Kinh tiếp tục gửi đi một thông điệp cứng rắn đến giới bán khống, bằng cách tuyên bố sẽ áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc 20% đối với các giao dịch tiền tệ kỳ hạn. Quy định này đồng nghĩa với việc bán khống Nhân dân tệ sẽ có chi phí lớn hơn.
Ngay sau khi tuyên bố này được đưa ra, tỷ giá Nhân dân tệ đã phục hồi mạnh, thoát khỏi mức đáy của 15 tháng thiết lập trước đó.
Các biện pháp kiểm soát thị trường của Trung Quốc những năm qua đã khiến nhiều nhà đầu cơ bán khống chứng khoán nước này và đồng Nhân dân tệ phải rút lui, trong khi nhiều người khác trở nên dè chừng hơn.
Đầu năm nay, nhà đầu cơ Kyle Bass nói với Wall Street Journal rằng quỹ Hayman Capital của ông đã cắt giảm trạng thái bán khống đối với thị trường Trung Quốc sau khi lỗ đậm nhất từ trước đến nay trong năm 2017.
Nhà đầu cơ bán khống lâu năm đối với thị trường Trung Quốc Jim Chanos cũng đã cắt giảm đặt cược vào thị trường này, tiết lộ: "Sau 8 năm đạt kết quả kém từ thị trường Trung Quốc, chúng tôi giờ đây bán khống thị trường này ít hơn so với trước kia".
Theo Vneconomy