Chỉ số Dow Jones kết thúc tuần ở mức 29.590,41 điểm, giảm 486,27 điểm, tương đương giảm 1,62%, thấp nhất trong năm nay, lần đầu tiên kể từ ngày 17/6 đóng cửa dưới mức 30.000 điểm. Có thời điểm trong phiên, Dow Jones mất hơn 826 điểm.
Chỉ số S&P 500 cũng trượt 1,72%, xuống còn 3.693,23 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 1,8% xuống còn 10.867,93 điểm.
Chỉ số Dow Jones kết thúc tuần ở mức 29.590,41 điểm, giảm 486,27 điểm, tương đương giảm 1,62%, thấp nhất trong năm nay (Ảnh: CNBC). |
Sự sụt giảm này đánh dấu tuần tiêu cực thứ 5 trong 6 tuần qua và cũng là phiên giảm thứ 4 liên tiếp của chứng khoán Mỹ kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố tăng lãi suất thêm 0,75% và cho biết sẽ tiếp tục thực hiện một đợt tăng khác trong cuộc họp vào tháng 11 tới.
“Thị trường đang chuyển từ nỗi lo về lạm phát sang lo ngại về chiến lược hiếu chiến của Fed. Bạn thấy đấy lợi suất trái phiếu đã tăng lên mức chưa từng thấy trong nhiều năm. Điều đó cho thấy thị trường đang chuyển sang nỗi lo mới là Fed làm thế nào để ổn định giá cả mà không gây tổn thương cho nền kinh tế”, Quincy Krosby của LPL Financial nhận định.
Lợi tức trái phiếu đã tăng vọt trong tuần này sau động thái của Fed. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 10 năm đã đạt mức cao chưa từng thấy trong một thập kỷ qua.
Trong khi đó, đồng bảng Anh đã chạm mức thấp nhất trong hơn 3 thập kỷ so với đồng USD sau khi Anh công bố kế hoạch giảm thuế. Điều này đã khiến các thị trường chao đảo khi nỗi lo lạm phát vẫn còn đó. Các thị trường lớn ở châu Âu đã giảm 2% trong phiên hôm qua khi dữ liệu mua hàng PMI về sản xuất và dịch vụ của châu Âu gây thất vọng.
“Đây là một mớ hỗn độn của vĩ mô toàn cầu mà thị trường đang cố gắng giải quyết”, Krosby nói.
Ông Michael Arone, chiến lược gia đầu tư tại State Street Global Advisors cho rằng: “Lạm phát và tăng lãi suất không phải là vấn đề của riêng Mỹ. Đó cũng là thách thức của thị trường toàn cầu”.
“Rõ ràng nền kinh tế đang chậm lại nhưng lạm phát lại nóng hơn và ngân hàng trung ương Mỹ buộc phải giải quyết điều đó. Tại châu Âu, ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng đã tăng lãi suất từ mức âm sang mức dương khi đối diện với cuộc khủng hoảng năng lượng và cuộc chiến trên sân nhà”, ông nói.
Lo ngại suy thoái của thị trường không phải là không có cơ sở khi ngay chính Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng thừa nhận suy thoái có thể xảy ra, đặc biệt nếu Fed tiếp tục mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, ông cảnh báo Fed sẽ kiên định và làm những gì cần thiết để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%. Việc tăng lãi suất sẽ tiếp tục cho đến khi lãi suất quỹ liên bang đạt mức 4,6% vào năm 2023. Điều đó có nghĩa là năm tới lãi suất vẫn chưa thể giảm.
Bà Julian Emanuel, người đứng đầu bộ phận cổ phần, phái sinh và chiến lược định lượng tại Evercore ISI, cho rằng về cơ bản mọi người đều cho sẽ có suy thoái và ông Powell đã châm ngòi cho một giai đoạn thị trường gấu. “Tin xấu mà bạn đang thấy và sẽ tiếp tục thấy trong thời gian tới là mọi tài sản bị bán tháo. Tin tốt là xu hướng kết thúc của hầu hết thị trường gấu mà chúng ta từng chứng kiến sẽ diễn ra vào tháng 9 và tháng 10”, bà khẳng định.
Lo ngại suy thoái cũng đã đẩy giá dầu WTI của Mỹ giảm 6%, giao dịch chỉ trên 78 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1.
Trong khi đó, các hợp đồng vàng giao tháng 12 cũng đóng cửa giảm 1,5%, xuống mức 1655,6 USD/ounce sau khi chạm xuống 1646,6 USD/ounce - mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020.
Nhật Linh
Theo CNBC