Fica
  1. Quốc tế

"Bóng dáng" Trung Quốc trong chuyến công du châu Âu của Ngoại trưởng Mỹ

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Vài ngày sau chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken quay trở lại châu Âu để tiếp tục kết nối phương Tây nhằm đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Bóng dáng Trung Quốc trong chuyến công du châu Âu của Ngoại trưởng Mỹ - 1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên máy bay tại căn cứ không quân Andrews hôm 22/6 để tới Đức, bắt đầu chuyến công du kéo dài một tuần tới châu Âu (Ảnh: AFP).

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã rời Washington vào chiều 22/6 để đến Berlin, sau đó sẽ tiếp tục đến Paris và Rome, gặp hai nhà lãnh đạo quan trọng của Liên minh châu Âu (EU) là Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Ông Blinken cũng có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Vatican, tham gia các cuộc đàm phán về việc đảm bảo hòa bình cho Libya - đất nước đang bị chiến tranh tàn phá và về cuộc chiến với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ sẽ kết thúc chuyến đi bằng cuộc họp vào ngày 29/6 với Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) tại thành phố Matera của Italy. Tại đây, ông Blinken có thể sẽ có cuộc gặp trực tiếp với người đồng cấp từ Trung Quốc - quốc gia ngày càng quyết đoán ở cả trong và ngoài nước và bị chính quyền Tổng thống Joe Biden coi là thách thức hàng đầu của Mỹ.

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới châu Âu từ ngày 11-13/6, Tổng thống Biden đã đề xuất một kế hoạch cơ sở hạ tầng quy mô lớn của Nhóm 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) nhằm cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Ông Biden cũng chủ trì một hội nghị thượng đỉnh của NATO để bàn về Trung Quốc một cách rõ ràng hơn bao giờ hết.

Phil Reeker, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về châu Âu, cho rằng chuyến đi của Ngoại trưởng Blinken tới châu Âu là sự tiếp nối của chiến lược ưu tiên mà Tổng thống Biden đã thực hiện trước đó: xây dựng lại mối quan hệ của Washington với các đồng minh.

"Sức mạnh của những mối quan hệ này sẽ đặt nền tảng cho nhiều ưu tiên về chính sách đối ngoại, bao gồm phục hồi kinh tế khi chúng ta thoát khỏi đại dịch Covid-19 và đối phó với Trung Quốc", ông Reeker cho biết.

Châu Âu phần lớn hoan nghênh sự tích cực của Tổng thống Biden trong việc thúc đẩy các liên minh sau nhiệm kỳ đầy biến động của cựu Tổng thống Donald Trump - người từng chỉ trích các nước trong khu vực về các hành vi thương mại không công bằng và không đóng góp đủ ngân sách cho hoạt động quốc phòng chung.

Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã nhanh chóng xoa dịu rạn nứt với châu Âu, đảo ngược quyết định của chính quyền Trump về việc rút quân đội Mỹ khỏi Đức và giải quyết tranh cãi kéo dài giữa Mỹ với châu Âu về trợ cấp cho các hãng sản xuất máy bay.

Tổng thống Biden đã xác định cạnh tranh với Trung Quốc là thách thức chính sách đối ngoại lớn nhất của chính quyền do ông lãnh đạo. Ngoại trưởng Blinken cũng nhiều lần bày tỏ lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực.

Hồi đầu tháng, ông Blinken chỉ trích Trung Quốc "không cho thấy sự minh bạch" cần thiết về vấn đề Covid-19, do vậy Bắc Kinh "cần phải chịu trách nhiệm". Ông cũng kêu gọi Trung Quốc cung cấp tất cả thông tin liên quan đến đại dịch và cho phép các thanh tra viên quốc tế tiếp cận đầy đủ các dữ liệu này.

Ngoại trưởng Blinken hồi tháng 5 đã đến London, Anh để tham dự cuộc họp ngoại trưởng của các nước G7, trong đó Trung Quốc là một trong những vấn đề được đưa vào chương trình nghị sự. Nhà ngoại giao Mỹ nhận định Trung Quốc hành động ngày càng "hung hăng" hơn ở nước ngoài.

Thành Đạt

Theo SCMP