Financial Times dẫn lời của một số giám đốc điều hành Evergrande ở Thâm Quyến cho biết, các quản lý tài chính của Evergrande đã tiếp thị các sản phẩm một cách rộng rãi, bao gồm cả các chủ nhà trong các khu chung cư của mình. Ngoài ra, các lãnh đạo của "chúa chổm" này còn ép nhân viên cấp dưới đầu tư tài chính cho công ty.
Một giám đốc điều hành cho rằng, các sản phẩm đó rủi ro quá cao đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ thông thường và lẽ ra không nên bán cho họ.
Nhưng với chiêu bài lợi nhuận an toàn và ổn định nhờ được "hỗ trợ bởi Evergrande", Evergrande đã lôi kéo được 80.000 nhà đầu tư đổ vào 40 tỷ nhân dân tệ (6,2 tỷ USD) đầu tư vào các sản phẩm này.
Các nhà đầu tư nhỏ lẻ tụ tập trước các trụ sở của Evergrande để đòi tiền (Ảnh: AFP).
Thế nhưng, tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc này đang lâm vào cuộc khủng hoảng thanh khoản khi số nợ vọt lên hơn 300 tỷ USD. Tuần trước, chính tập đoàn đã thừa nhận đang đối mặt với khó khăn thanh khoản chưa từng có và bỏ ngỏ khả năng bị vỡ nợ.
Vụ việc của Evergrande đã gây kinh hoàng cho thị trường chứng khoán toàn cầu trong phiên đầu tuần (20/9). Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Phố Wall cũng ghi nhận mức giảm trong một ngày tồi tệ nhất trong 4 tháng. Cổ phiếu của Evergrande "bốc hơi" khoảng 85% giá trị chỉ riêng trong năm nay.
Hàng nghìn nhà đầu tư nhỏ lẻ đang bị Evergrande nợ tiền cùng với các ngân hàng, nhà cung cấp và nhà đầu tư nước ngoài lo ngại họ sẽ không được hoàn trả nếu tập đoàn bất động sản khổng lồ này vỡ nợ.
Tuần trước, Evergrande tiết lộ rằng Ding Yumei, vợ của người sáng lập Hui Ka Yan, đã mua 3 triệu USD các sản phẩm đầu tư của công ty để thể hiện sự ủng hộ.
Con gái của một nhà đầu tư họ Xu cũng cho biết: "Bố mẹ tôi đã bỏ phần lớn số tiền tiết kiệm tuổi già trị giá 200.000 nhân dân tệ vào các sản phẩm quản lý tài sản của tập đoàn".
Cô cho biết một cố vấn tài chính của Evergrande đã thuyết phục mẹ cô đầu tư. "Vì đã mua căn hộ của nhà phát triển này nên bố mẹ tôi đã không nghi ngờ gì khi đầu tư vào đây. Tất cả những gì bố mẹ tôi muốn là để giảm bớt áp lực tài chính do mua thuốc điều trị ung thư đắt tiền cho mẹ tôi", Xu nói.
Tuần trước, Xu là một trong hàng trăm người đã tụ tập trước trụ sở chính tại Thâm Quyến của Evergrande với hy vọng đòi được số tiền mà họ đã đầu tư vào đây.
Theo một trong những giám đốc điều hành của công ty, các cuộc phản đối của các nhà đầu tư nhỏ lẻ "nổ" ra tại các văn phòng Evergrande và các dự án phát triển của công ty trên khắp Trung Quốc khiến cho tập đoàn thêm lao đao. Ưu tiên hàng đầu của các bộ phận ở Evergrande lúc này là giải quyết vấn đề cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Một nhà đầu tư tên Rosy Chen cùng chồng là một nhân viên của Evergrande trong năm nay đã đầu tư 100.000 nhân dân tệ vào một sản phẩm của Evergrande được quảng cáo là sẽ mang lại lợi nhuận 11,5% theo thúc giục của cấp trên. Theo hợp đồng, khoản tiền này sẽ được dùng để "bổ sung" vốn lưu động cho một công ty có tên Hubei Gangdun Materials.
Hợp đồng cho thấy công ty con này của Evergrande đã đứng ra bảo lãnh sản phẩm, trong khi một công ty con khác lại bảo đảm sẽ hoàn tiền cho Chen nếu công ty Hubei Gangdun vỡ nợ.
"Lúc đầu, chúng tôi chần chừ, cố ý đợi xem xét thêm, nhưng khi thấy rất nhiều người đầu tư vào đây, chúng tôi cũng quyết định đầu tư theo", Chen nói và thêm rằng: "Vì chúng tôi tin Evergrande sẽ không lừa nhân viên của mình".
Theo Financial Times, các hợp đồng và bảng sao kê tiền gửi ngân hàng của một số sản phẩm quản lý tài sản cho thấy dòng tiền của nhà đầu tư đã đổ về các công ty nhỏ ở tỉnh Hồ Bắc và thành phố ven biển Thanh Đảo. Hồ sơ doanh nghiệp cho thấy nhiều công ty như Hubei Gangdun đã thay đổi chủ sở hữu và ban điều hành. Không ai trong những công ty này có thể trả lời các cuộc gọi hay tin nhắn yêu cầu bình luận về vụ việc.
Nhật Linh
Theo Financial Times