Fica
  1. Quốc tế

Báo Mỹ: Các cường quốc có thể học hỏi thành công chống dịch của Việt Nam

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Báo Washington Post cho rằng các nước lớn có thể học hỏi các nước nhỏ, trong đó có Việt Nam, về cách ứng phó thành công dịch Covid-19 mặc dù nguồn lực còn hạn chế.

Báo Mỹ: Các cường quốc có thể học hỏi thành công chống dịch của Việt Nam - 1

Tranh tuyên truyền chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. (Ảnh: AFP)

Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn trật tự thế giới. 3 trong số cường quốc lớn nhất thế giới, gồm Mỹ, Anh và Nga, đã trở thành những ổ dịch lớn nhất và có số người chết nhiều nhất. Các nước lớn khác cũng đang chật vật trong việc ứng phó với dịch. 

Ngược lại, một số nước nhỏ hơn đã được ghi nhận về năng lực ứng phó với Covid-19, sau khi thế giới chứng kiến những thành công từ sớm của họ.

Yanzhong Huang, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ), nhận định: Những cường quốc lớn nhất và mạnh nhất sẽ cần học tập những điều đúng đắn mà các nước nhỏ hơn và yếu hơn đã làm được.

Báo Washington Post (Mỹ) đã liệt kê 6 quốc gia vào danh sách các nước tuy nhỏ bé nhưng chống dịch thành công.

Việt Nam

Ngay cả trong số các nước chống dịch thành công từ sớm tại châu Á, Việt Nam vẫn là một ngoại lệ. Việt Nam không phải nước giàu có như Hàn Quốc, cũng không phải quốc gia phát triển cao như Singapore, và càng không có sức mạnh như nền kinh tế lớn thế giới Trung Quốc.

Nhưng Việt Nam cho đến nay mới chỉ ghi nhận hơn 300 ca mắc Covid-19, trong đó 60 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế trong cả nước. 264 bệnh nhân Covid-19 đã được chữa khỏi tại Việt Nam. Trong hơn một tháng, Việt Nam không có ca lây nhiễm cộng đồng. Đặc biệt, không có ca tử vong vì Covid-19 nào được ghi nhận tại Việt Nam.

Các chuyên gia Mỹ rất ấn tượng với thành tích chống dịch của Việt Nam.

“Việt Nam đã trở thành hình mẫu trong việc thực thi các biện pháp y tế cộng đồng nhằm kiểm soát Covid-19”, Matthew Moore, quan chức của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ tại Hà Nội, nhận định.

Ông Moore đã đề cập tới việc xét nghiệm trên diện rộng và truy vết tiếp xúc ca nhiễm nhanh chóng của Việt Nam. Quan chức Mỹ cho biết Việt Nam đã thực hiện “chiến lược truyền thông quy mô lớn nhằm kêu gọi sự ủng hộ của người dân”.

Việt Nam cũng đang tìm cách thúc đẩy nền kinh tế khi hoạt động thương mại toàn cầu dịch chuyển dần khỏi Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Huong Le Thu tại Viện Chính sách Chiến lược Australia cho rằng cuộc khủng hoảng dịch bệnh “càng làm gia tăng vị thế và uy tín của Việt Nam, đồng thời củng cố niềm tin của người dân vào chính phủ”.

Georgia

Trong khi số ca mắc Covid-19 tại nước láng giềng Nga tăng chóng mặt, Georgia dường như vẫn “bình an vô sự”. Theo thống kê của Worldometers, Georgia, đất nước với 3,75 triệu dân, hiện mới chỉ ghi nhận 713 ca nhiễm và 12 ca tử vong, trong khi Nga có tới 2.972 người chết và 308.705 người nhiễm bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã dành lời khen ngợi cho nỗ lực chống dịch của Georgia.

Các biện pháp chống dịch nhanh chóng của chính phủ Georgia, như kiểm tra nhiệt độ cơ thể hành khách tại các sân bay từ cuối tháng 1 hay hạn chế từ sớm các chuyến bay quốc tế, đã giúp nước này đánh bại Covid-19. Do tốc độ lây nhiễm giảm dần, Georgia sắp cho phép ngành du lịch mở cửa trở lại.

Diện tích nhỏ bé cũng giúp Georgia dễ dàng kiểm soát những rủi ro từ hoạt động di chuyển trong nước. Georgia cũng trải qua nhiều khó khăn sau khi Liên Xô sụp đổ, do vậy người dân nước này sẵn sàng hy sinh vì lợi ích chung, như chấp nhận lệnh cấm đi lại hay các biện pháp kiểm soát xã hội khác.

Ghana

Báo Mỹ: Các cường quốc có thể học hỏi thành công chống dịch của Việt Nam - 2

Thông điệp “Ở trong nhà” được ghi trên bức tường tại Accra, Ghana ngày 20/4 sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ một phần. (Ảnh: AFP)

Nhiều chuyên gia từng lo ngại khu vực châu Phi hạ Sahara sẽ là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 trên thế giới. Nhưng hơn 3 tháng trôi qua, một số nước châu Phi dường như chống dịch tốt hơn các nước Bắc Mỹ và châu Âu.

Tại Ghana, quốc gia Tây Phi với khoảng 30 triệu dân, chính phủ đã xét nghiệm hơn 161.000 người và là nước có tỷ lệ xét nghiệm cao thứ 2 tại châu Phi, sau Nam Phi.

Ghana ghi nhận nhiều trường hợp mắc Covid-19, với hơn 6.000 ca nhiễm và 31 ca tử vong. Tuy nhiên, nhờ xét nghiệm hàng loạt, nước này đã truy vết nhanh chóng các ca nhiễm, bao gồm một nhà máy chế biến cá - nơi một người đã lây bệnh cho 533 người khác.

Osman Dar, giám đốc Chương trình Y tế Toàn cầu tại viện nghiên cứu Chatham House ở London (Anh), cho rằng Ghana có thuận lợi từ lực lượng dân số trẻ và chỉ có 3% dân số trên 65 tuổi. Tuy nhiên, theo ông Dar, giới chức Ghana cũng chủ động trong việc sử dụng ngân sách để kiểm soát dịch bệnh, thay vì chờ viện trợ quốc tế.

Costa Rica

Costa Rica là quốc gia đầu tiên tại Mỹ Latinh xác nhận có ca nhiễm virus corona vào ngày 6/3. Hơn 2 tháng sau đó, đất nước 5 triệu dân bắt đầu nới lỏng phong tỏa khi chỉ ghi nhận 10 ca tử vong và chưa đầy 890 ca nhiễm, theo Worldometers. Costa Rica cũng là một trong những mô hình chống dịch hiệu quả nhất trong khu vực.

Juliana Martinez-Franzoni, Phó Giáo sư tại Đại học Costa Rica, chỉ ra 2 yếu tố giúp nước này chống dịch thành công: thứ nhất là hệ thống y tế thống nhất và mạnh mẽ và thứ hai là việc chính phủ rất linh động trong việc cung cấp các dịch vụ và sự hỗ trợ cơ bản.

“Phản ứng của Costa Rica nhanh hơn hầu hết các nước Mỹ Latinh và kỷ luật hơn. Người dân tin tưởng chính phủ, tin tưởng nhà nước giúp họ ứng phó khủng hoảng, do vậy mức độ tuân thủ (các biện pháp phòng dịch) cũng cao hơn”, bà Juliana nhận định.

Lebanon

Khi dịch Covid-19 ập đến, Lebanon đang ở trong một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng và sự bất ổn về chính trị. Tuy nhiên, giới chức Lebanon đã nhìn ra sự xuất hiện của virus và hành động nhanh chóng.

Một tuần sau khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên hồi tháng 2, Lebanon đã áp lệnh phong tỏa. Việc hành động từ sớm giúp Lebanon kiểm soát dịch, chỉ ghi nhận hơn 900 ca nhiễm và 26 ca tử vong. Người dân Lebanon đã quen thuộc với các cuộc khủng hoảng và sẵn sàng hành động ngay cả khi chưa có chỉ đạo của chính phủ.

New Zealand

Ngày 23/3, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cảnh báo nước này chỉ có 48 giờ để chuẩn bị cho lệnh phong tỏa cấp độ 4 - cấp độ cao nhất từng có.

6 tuần sau, vào cuối tháng 4, New Zealand bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế. Ngày 27/4, Thủ tướng Ardern tuyên bố New Zealand đã chiến thắng cuộc chiến chống Covid-19 sau khi triển khai một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới để kiểm soát dịch.

Theo thống kê của Worldometers, đất nước với 5 triệu dân hiện mới chỉ ghi nhận 21 ca tử vong và 1.503 ca mắc Covid-19. Tuần này, New Zealand lần đầu tiên tuyên bố không ghi nhận ca nhiễm mới nào sau thời gian phong tỏa.

Thành Đạt

Tổng hợp

Tin liên quan