Fica

Xu hướng nới lỏng tiền tệ toàn cầu

Lê Xuân Nghĩa
Lê Xuân Nghĩa

Về động thái giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), trước mắt, Việt Nam ít bị ảnh hưởng. Song nếu như các nước đồng loạt chạy theo, đua nhau nới lỏng tiền tệ, thì Việt Nam cần phải sớm đưa ra kịch bản để đối phó.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế

Fed giảm lãi suất, đồng nghĩa với tăng cung tiền, kéo theo USD mất giá. Khi đó, tỷ giá VND/USD không thay đổi nhiều, thặng dư xuất khẩu sang Mỹ không bị ảnh hưởng. Về tổng thể, trong ngắn hạn, Fed giảm lãi suất 0,25% sẽ không tác động nhiều đến thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, cần lưu ý là nếu VND neo với USD mà USD mất giá, thì VND cũng mất giá theo các đồng tiền khác ngoài USD, dẫn tới thặng dư thương mại của Việt Nam sang các nước khác sẽ giảm. Nếu Fed tiếp tục giảm thêm lãi suất USD, cán cân thương mại Việt Nam có nguy cơ thâm hụt. Như vậy, Fed giảm lãi suất cũng sẽ gây áp lực nhất định đối với VND, không phải trong tương quan với USD (tỷ giá VND/USD), mà trong tương quan với các đồng tiền khác.

Rủi ro nữa từ việc Fed giảm lãi suất USD là có thể khiến các đối tác thương mại của Mỹ “bắt chước”, dẫn tới hàng loạt quốc gia cũng nới lỏng tiền tệ trên phạm vi toàn cầu (như đã xảy ra trước đây). Nếu kịch bản này xảy ra, cung tiền toàn cầu sẽ tăng mạnh, trong khi kinh tế tăng trưởng thấp, thương mại tăng rất thấp, dẫn tới dư thừa tiền, hậu quả là lạm phát dài hạn có nguy cơ tăng.

Nếu lạm phát diễn ra trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thì không sao, song lạm phát diễn ra trong bối cảnh kinh tế đang suy giảm (lạm phát đình đốn), thì rất nguy hiểm. Bởi khi đó, người tiêu dùng tăng tiết kiệm, không dám chi tiêu vì lo ngại thu nhập tương lai giảm. Chính phủ muốn giảm lãi suất để kích cầu cũng không kích cầu nổi.

Chính vì vậy, như đã nói, Fed giảm lãi suất trước mắt không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam, nhưng về trung và dài hạn, chúng ta cần nhìn nhận các nguy cơ có thể xảy ra, đặc biệt là lạm phát, để kịp thời đưa ra đối sách ứng phó.