Fica

Năng suất lao động của người Việt tăng nhanh hay chậm?

Mai Chi
Mai Chi

Câu trả lời là so với chính chúng ta thì tốc độ tăng nhanh, nhưng so với các nước khác thì vẫn chậm và cần nỗ lực rất lớn để thu hẹp khoảng cách.

Bích Diệp

Nhà báo

Theo báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc làm đối với thanh niên giai đoạn 2020-2023 của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội, năm 2021 bình quân mỗi lao động Việt Nam làm ra 171,8 triệu đồng, tăng 2,5 lần so với 10 năm trước đó (70,3 triệu đồng); tốc độ tăng trưởng năng suất lao động đạt 6%.

Như vậy có thể nói năng suất lao động của người Việt hiện nay đã có sự cải thiện đáng kể so với trước. Đây là một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, làm nên thành tựu xóa đói giảm nghèo được quốc tế công nhận trong những năm qua. Tuy nhiên, mức này được cho vẫn còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và khoảng cách chênh lệch có xu hướng gia tăng.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội vào cuối tháng 10 vừa qua, đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, dẫn đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho hay năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 chỉ bằng 12,2% mức năng suất lao động của Singapore, bằng 24,4% của Hàn Quốc. Tổ chức Năng suất châu Á (APO) đánh giá năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm.

Làm gì để chúng ta có thể rút ngắn khoảng cách và bắt kịp các nước trong khu vực về năng suất lao động, thực hiện được mục tiêu đặt ra trong chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 là "Phấn đấu nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN"?

Các giải pháp để tăng năng suất lao động sẽ trải rộng từ nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy liên kết vùng, cho đến phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.v.v… Trong đó, như nhiều vị đại biểu Quốc hội và chuyên gia đã đề cập là với bối cảnh cuộc cách mạng lần thứ tư hiện nay thì cần chú ý đến khâu đột phá "nguồn nhân lực chất lượng cao ở những ngành nghề tạo ra giá trị lớn".

Lấy ví dụ về nhân sự công nghệ thông tin (IT), dự báo Việt Nam vẫn sẽ thiếu hụt từ 150.000 đến 200.000 lập trình viên/kỹ sư/năm từ nay đến 2025. Dù mỗi năm sinh viên ngành này nhập học khoảng 50.000-57.000 người nhưng khi bước vào thị trường lao động thì chỉ có khoảng 30% đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng chuyên môn từ phía doanh nghiệp; 70% phải được đào tạo thêm trong 3-6 tháng do hạn chế kỹ năng thực hành.

Tại lĩnh vực công nghiệp chip bán dẫn, dự báo trong 5 năm tới cần khoảng 20.000 lao động và 10 năm tới khoảng 50.000 người trình độ từ đại học trở lên. Tuy nhiên, chất lượng nhân lực cần phải đáp ứng được các điều kiện khắt khe của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài.

Trên góc độ vĩ mô, so với năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế, năng suất lao động của khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ gấp lần lượt 1,19 lần và 1,16 lần. Như vậy, khu vực công nghiệp - dịch vụ chính là động lực mạnh mẽ nhất đối với năng suất lao động của toàn nền kinh tế.

Mặt khác cần thấy rằng, ngay cả ở lĩnh vực nông nghiệp, dù cho người nông dân nước ta bao đời cần cù, chăm chỉ, lam lũ một nắng hai sương nhưng hiệu suất canh tác không thể sánh được với những quốc gia áp dụng tốt khoa học kỹ thuật, tự động hóa.

Cách đây không lâu, khi trò chuyện với một người bạn đang làm trong lĩnh vực chăn nuôi ở Úc, anh khiến tôi ngạc nhiên khi cho biết, quản lý 3 khu trại với tổng diện tích 740.000 ha, quy mô nuôi 60.000 con bò nhưng cả công ty chỉ có 40 nhân sự bao gồm quản lý, lái trực thăng, đầu bếp, hành chính và lao động trực tiếp.

Tại thời điểm năm 2021, chi phí sản xuất cho một kg bò bán nguyên con chỉ là 1,7 đô la Úc (30.000 đồng), trong khi giá bán bò nguyên con trung bình chỉ là 3,7 đô la Úc (60.000 đồng), mang lại biên lợi nhuận rất lớn cho người chăn nuôi. Cùng thời điểm này, chi phí sản xuất ở Việt Nam thường cao gấp đôi nên giá bán sẽ đắt hơn, biên lợi nhuận cũng kém hơn.

Có thể thấy, muốn tăng năng suất lao động chung của nền kinh tế phải đi từ những chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp có nguồn lực và môi trường đổi mới sáng tạo, ứng dụng nhiều hơn công nghệ hiện đại vào vận hành sản xuất, kinh doanh.

Các chuyên gia của ILO cũng khuyến cáo rằng, phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam trong những năm sắp tới đòi hỏi phải tăng năng suất thông qua đổi mới, cải tiến công nghệ và phương thức sản xuất, chuyển từ sản xuất chi phí thấp sang sản xuất dựa trên công nghệ và tri thức với giá trị gia tăng cao hơn.

Nói cách khác, khi các động lực tăng trưởng năng suất trước đây đã "chạm trần" hoặc không còn phát huy hiệu quả, Việt Nam cần có những động lực tăng trưởng mới và động lực đó cần được đặt trên nền tảng phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, và hạt nhân của động lực này chính là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trước Quốc hội, ngày 7/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng đã nhấn mạnh 4 vấn đề quan trọng để nâng cao năng suất lao động: Đó là công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động; vốn và nguồn vốn chất lượng cao để xây dựng nền tảng sản xuất, chế biến; nguồn nhân lực chất lượng cao; đưa tỷ lệ lực lượng lao động phi chính thức xuống thấp.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Để nâng cao năng suất lao động rõ ràng không phải là việc của riêng một cơ quan cụ thể nào, mà cần sự phối hợp của nhiều bên, của cả xã hội, trong đó có cả mỗi cá nhân, gia đình và sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp. Có tăng năng suất thì kinh tế mới phát triển như kỳ vọng, và từ đó mang lại thịnh vượng chung cho mọi người dân.