Fica

Xoá bỏ định kiến

Bạn không thể xóa bỏ định kiến bằng cách phớt lờ hay phủ nhận nó dù bạn thích hay không.

Nguyễn Dương

Chuyên gia trải nghiệm khách hàng - Nhà sáng lập Cempartner

Rơi vào trầm cảm vì bão ném đá và thất bại của Bphone 1 sau hai năm ra mắt, Nguyễn Tử Quảng bắt đầu nghiên cứu triết học, vũ trụ học, tìm hiểu bản chất của con người để giải thích và tìm ra cách giải quyết những trăn trở chưa thể lý giải. “Tôi đã tìm ra câu trả lời, đó là định kiến”, Nguyễn Tử Quảng kết luận.

Ngày 1/6/2019, phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Viettel, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Viettel trở thành Samsung, Huawei,… Nhưng nhiều vẫn hoài nghi khi điều này được nhắc lại trên mạng xã hội.

Vậy kết luận từ nghiên cứu của anh Quảng có đúng không? Đúng rồi còn gì!

Nhưng đây mới là điều tôi muốn nói, định kiến của khách hàng không phải là lý do thất bại. Lý do thất bại là vì anh đã không xuất phát từ định kiến của khách hàng.

Người Việt Nam chưa thể tin tự mình có thể làm ra những sản phẩm công nghệ hàng đầu thế giới. Định kiến là một phần của nhận thức, hình thành có lý do của nó, không tự nhiên sinh ra đâu.

Người làm thị trường phải coi định kiến là một thực tế và xuất phát từ định kiến chính là xuất phát từ thực tế.

Tôi không ủng hộ định kiến nhưng việc thay đổi định kiến không bao giờ bắt đầu bằng cách phủ định hoặc phớt lờ nó.

Tạm thời chưa bàn đến chất lượng sản phẩm Bphone nói riêng và năng lực thực sự trong việc tự làm sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung.

Hãy xem ông Phạm Nhật Vượng làm như thế nào.

Với chiếc ô tô VinFast, các cấu phần quan trọng như động cơ và hệ thống kết cấu chính được mua thiết kế từ những nhà thiết kế hàng đầu châu Âu và Mỹ, kiểu dáng xe được sáng tạo bởi studio danh tiếng của Italy - nơi sáng tạo nên những thiết kế sang trọng cho Audi, Bentley, BMW, Cadillac, Ferrari, Mercedes-Benz, Porsche, Rolls-Royce …

Chưa hết, VinFast đã quy tụ đội ngũ chuyên gia hàng đầu thế giới, có kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực sản xuất ô tô tham gia nghiên cứu, quản lý sản xuất.

Chiếc điện thoại Vsmart thì sao? Không đình đám như VinFast nhưng chiếc điện thoại Vsmart cũng được tạo ra chủ yếu dựa trên các cấu phần đến từ nước ngoài như Tây Ban Nha, Nhật, Mỹ và Hàn quốc… Còn nữa, trong bối cảnh nhận thức chung là hầu hết các loại điện thoại “made in Vietnam” là thuê Trung Quốc làm thì của ông ấy là Châu Âu...

Vì sao vậy? Vì sao một Tập đoàn lớn nhất Việt Nam, có uy tín hàng đầu với người tiêu dùng cả nước lại vẫn chủ yếu dựa vào các tổ chức nước ngoài liên quan đến sản phẩm mà họ làm? Sao họ mạnh thế mà không đối đầu trực tiếp với định kiến “Việt Nam không làm nổi cái ốc vít” bằng cánh làm phần lớn hay tuyên bố làm phần lớn?

Bạn không thể xóa bỏ định kiến bằng cách phớt lờ hay phủ nhận nó dù bạn thích hay không. Định kiến là một phần trong nhận thức của khách hàng và tôi nghĩ Vingroup đã hiểu rõ điều này.

Vậy VinFast, Vsmart chắc chắn thành công?

Tôi không nói như thế, tôi chỉ dám nói rằng, cơ hội để thành công của họ lớn hơn nhiều so với việc phớt lờ những định kiến.

Để vượt qua và xóa bỏ định kiến, bạn phải bắt đầu từ việc thừa nhận nó và xuất phát từ đó.