TS. Huỳnh Thế Du
Chuyên gia kinh tế từ Fulbright
Như thường lệ, cứ đến dịp này là lại rộ lên quan điểm đòi bỏ tết âm lịch để hội nhập với thế giới và tránh tốn kém. Tuy nhiên, khi nhìn công bằng theo quan điểm không để ai bị bỏ lại phía sau, hay mục tiêu của cả xã hội là chăm lo cho những người yếu thế nhất thì tết âm lịch vẫn đang rất cần thiết trong xã hội Việt Nam.
Khi những thảo luận được đưa ra tôi lại nhớ đến truyện ngắn (tiếc là tôi không nhớ tên) đã đọc thời còn học phổ thông với đại ý như sau:
“Một người phải đi làm ăn xa, đột ngột nhận được thư của gia đình. Người này đoán đó là tin xấu (có lẽ người bố qua đời vì khi đi ông cụ đã rất yếu rồi).
Người đó lưỡng lự trong việc mở bức thư vì nếu đúng như suy đoán thì người đó phải về quê. Một viễn cảnh hết sức tối tăm hiện ra vì sẽ bị mất việc với bao nhiêu hệ lụy.
Đắn đo mãi và người đó đã quyết định vò lá thư chưa mở vứt đi và coi như không hề nhận được nó để trở lại với công việc.”
Bi kịch hơn cả Kép Tư Bền (biết bố đã mất mà vẫn phải gân cổ chọc cười mua vui cho thiên hạ).
Tình huống trên, có lẽ, chỉ xuất hiện trong các tác phẩm văn học. Tuy nhiên, nếu không có tết thì không ít người khó có dịp nghỉ ngơi và đoàn tụ với gia đình.
Tết tất cả đều dừng lại thì những người phải làm quần quật cả năm mới có dịp ngừng tay. Dịp duy nhất như vậy đối với nhiều người sao lại đòi bỏ đi?
Nếu tính tổng phúc lợi của tất cả những người trong xã hội thì Tết có thể tốn kém. Nền kinh tế bị dừng, và những người khá giả hơn (chủ yếu là thị dân) có thể cảm thấy gánh nặng của cái tết.
Tuy nhiên, bỏ Tết là hy sinh lợi ích của những người khó khăn hơn cho những người khá giả hơn. Điều này không khác gì việc ném những nô lệ hay tù binh để thú dữ xé xác trong đấu trường La Mã thời cổ xưa nhằm vì niềm vui cuồng loạn của những người trên khán đài.
Bây giờ chưa phải lúc để đặt vấn đề bỏ tết vì nhiều người còn cần (đó là chưa kể khía cạnh truyền thống). Có thể đặt vấn đề này sau năm 2045 với điều kiện Việt Nam đã trở thành một quốc gia phát triển.
Xin đừng đặt vấn đề bỏ Tết nữa!