Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI
Chính sách này xuất phát từ việc hiện nay có khá nhiều các loại hàng tiêu dùng mà khi sử dụng xong, thải bỏ ra môi trường thì gây ô nhiễm lớn như pin, ắc quy, một số loại bóng đèn, máy vi tính, điện thoại, máy in, tivi, tủ lạnh, điều hòa, săm lốp, ô tô, xe máy... Thêm vào đó, để bán hàng tốt hơn thì nhiều nhà sản xuất hiện đang packing một cách quá mức, dẫn đến việc phải xử lý các loại bao gói sản phẩm như chai, lọ, hộp, lon, túi và các loại bao gói khác rất lãng phí.
Nhằm giảm thiểu loại rác thải này và có thêm nguồn lực để thu gom, xử lý, tái chế thì Nhà nước đặt ra chính sách sau: Mỗi nhà sản xuất, nhập khẩu phải có nghĩa vụ thu gom, xử lý và tái chế (nếu được) hàng hóa của mình. Lượng thu gom, xử lý, tái chế sẽ bằng tỷ lệ (ví dụ 30%, 50%, 70%, 90%...) lượng hàng bán ra. Tỷ lệ này ban đầu sẽ thấp, nhưng rồi sẽ tăng dần theo thời gian.
Để thực hiện nghĩa vụ này, nhà sản xuất, nhập khẩu có 4 cách. Một là tự mình làm. Hai là thuê một bên chuyên nghiệp làm. Ba là tự nhóm họp các doanh nghiệp cùng có nghĩa vụ này để làm chung (ví dụ như hiệp hội doanh nghiệp cùng ngành). Nếu tổng 3 cách trên chưa đủ tỷ lệ % thì phải làm cách thứ tư là nộp tiền cho Nhà nước để Nhà nước làm.
Việc thu gom, xử lý, tái chế đối với từng mặt hàng sẽ có quy trình, quy chuẩn kỹ thuật riêng và được giám sát để tránh gian dối. Mức phí nộp cho Nhà nước cũng sẽ được tính toán theo từng mặt hàng và sẽ luôn cao hơn chi phí trung bình để doanh nghiệp tự làm.
Theo dự đoán thì các đơn vị sản xuất và nhập khẩu các nhãn hàng lớn, có thương hiệu thì sẽ áp dụng các cách từ 1 đến 3. Còn các doanh nghiệp nhập khẩu hàng chuyến thì sẽ có xu hướng chọn cách 4.
Ý tưởng chung là vậy, đi vào chi tiết sẽ còn rất nhiều thứ phải bàn.
Nhưng điều tôi lo nhất không phải là chi tiết sẽ làm như thế nào. Mà là chỉ sợ hết nhiệm kỳ, người “tổng đạo diễn” chính sách này đi chỗ khác, người mới lên lại thôi không làm tiếp mà nghĩ ra chính sách khác.