Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế
Việt Nam có cơ hội, nhưng cũng đầy thách thức và chúng ta phải tự hoàn thiện mình trước khi ra một "đấu trường" lớn thực sự.
Bởi thị trường EU có khoảng 500 triệu dân, có cơ cấu tiêu dùng rất lớn và thị trường được xây dựng rất chuẩn chỉ. Đây là khu vực có rất nhiều nền kinh tế có quy mô và trình độ phát triển.
Tôi rất quan tâm đến mảng dịch vụ của EU vì họ phát triển rất tốt về tài chính, dịch vụ công, xây dựng, vận tải. GDP của các nước này có sự đóng góp lớn của ngành dịch vụ.
Tuy nhiên, thách thức rất lớn cho bất cứ doanh nghiệp nào khai thác thị trường này là thể chế và pháp lý rất chặt chẽ, nghiêm như thẻ vàng đối với thuỷ sản của Việt Nam vừa rồi là một minh chứng điển hình.
Thị trường EU cũng tương đối khó tính, không như các nước khác như Trung Quốc hay các quốc gia châu Phi mà Việt Nam vẫn đang xuất khẩu hàng hoá.
Chưa thể khẳng định được sẽ có thêm các doanh nghiệp mới xuất vào EU và cho giá trị ngay bởi tiến trình tham gia thị trường EU khá ngặt nghèo, cần có thời gian với doanh nghiệp mới.
Tuy nhiên, theo tôi các doanh nghiệp hiện đang xuất vào EU sẽ được hưởng lợi lớn và có thể gia tăng xuất vào, không chịu hạn ngạch, không chịu thuế.
Tiến độ tự do hoá hoặc giảm thuế theo EVFTA tương đối nhanh, đối với hàng Việt sang EU lộ trình cắt bỏ thuế quan là 7 năm với 96% hàng. Lộ trình giảm thuế nhanh có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt đang bối cảnh hàng Việt phải đa dạng hoá. Vào được EU, hàng Việt có đủ điều kiện đi các thị trường khác như Úc, Mỹ, Nhật hay Hàn Quốc.
Tuy nhiên, hàng EU vào Việt Nam không chịu thuế, đây là thách thức lớn là ngân sách, tác động đến nguồn thu ngân sách từ thuế, tính tựu chung lại vẫn có lợi cho xuất khẩu, cho đầu tư và cho thuế thu nhập doanh nghiệp nếu làm ăn ổn định, tốt.
Muốn gì thì doanh nghiệp Việt cũng cần quan tâm hơn đến chiến lược phát triển, quản trị kinh doanh và tìm hiểu thị trường. Không nên có thói quen làm ăn “đánh quả”, ngắn hạn, nhỏ lẻ.
Chủ động liên kết với doanh nghiệp trong nước và FDI, thực tế nhiều doanh nghiệp trong nước không phải hẹp hòi mà tìm mãi không ra doanh nghiệp đủ điều kiện để bắt tay thì họ phải đi tìm các đối tác cấp 1, 2 khác.
Doanh nghiệp Việt hiện còn chưa có trang web tiếng Anh, không có hỗ trợ bộ phận pháp lý thị trường, ngại tuân thủ các sở hữu trí tuệ… những cái đó khiến họ không được đánh giá cao trong mắt các đối tác.
Không phải phụ thuộc vào Chính phủ, Bộ ngành mà bản thân doanh nghiệp phải tự hoàn thiện chính mình. Chúng ta có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện được 2 năm, tích cực chưa có nhiều song có những động thái ban đầu tích cực.
Tôi đề xuất 3 việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là sớm sửa đổi Luật Đất đai, tháo gỡ Luật Đất đai để quản lý tốt hơn và giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng thực hiện quyền, lợi ích của họ.
Việt Nam cần sớm thông qua việc giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện nay là 20%, trong Dự thảo Luật cho phép giảm đến 10-15%, chúng ta phải trình Quốc hội.
Về tiếp cận vốn, hiện nay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 22% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế, ở mức tương đối khá so với khu vực. Cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cần nỗ lực để tiếp cận với nhau dễ dàng hơn nữa.