Fica
  1. Góc nhìn

Ứng phó với nCoV: Hai bất cập

Huỳnh Thế Du
Huỳnh Thế Du

Để có thể ứng phó với dịch bệnh, tránh sự quá tải của hệ thống y tế và đảm bảo khả năng cung ứng các dụng cụ liên quan là hết sức quan trọng. Khi hệ thống quá tải, dịch bệnh bùng phát thì tình hình xấu đi rất nhanh. Những gì đang xảy ra ở Vũ Hán cho thấy điều này.

Ông Huỳnh Thế Du, Chuyên gia kinh tế

Việc tăng khả năng cung ứng dịch vụ thường rất hạn chế. Ví dụ không thể tăng số bác sĩ tức thời. Do vậy, ổn định tư tưởng công chúng, tránh lo lắng quá mức, dẫn đến hoảng loạn, tạo ra những nhu cầu không cần thiết làm quá tải hệ thống là hết sức quan trọng.

Để có được điều này, Nhà nước cần phải làm cho người dân thấy rằng tình hình đã được kiểm soát và có sự cải thiện; và những nhu cầu thiết yếu liên quan luôn được đáp ứng kịp thời.

Xét về tổng thể, các cơ quan chức năng đã làm khá tốt, đặc biệt là ngành y tế, nơi phụ trách về vấn đề chuyên môn trong việc ứng phó với nCOV. Tuy nhiên, có hai bất cập gồm: việc cấm tăng giá khẩu trang và tiếp tục đóng cửa trường học một cách đột ngột.

Thứ nhất, việc không cho tăng giá khẩu trang gây ra hiện tượng thiếu cung hay dư cầu nên tình trạng khan hiếm trầm trọng hơn. 

Nhiều người đổ xô đi mua nhưng không có hàng dễ dẫn đến tâm lý tích trữ các mặt hàng liên quan khác và làm cho cả xã hội căng thẳng hơn.

Giá trên thực tế không giảm là bao, nhưng những nơi bán chính thức nhỏ giọt và luôn cháy hàng làm cho tâm lý chung tệ hơn. 

Trong bối cảnh như vậy, việc ngành y tế đưa ra hướng dẫn học sinh khỏe mạnh ở những nơi không có dịch không cần mang khẩu trang là hợp lý. 

Bình thường thì ai muốn đeo cũng được. Tuy nhiên, đối với trạng thái hiện tại việc không dùng sản phẩm khi chưa thực sự cần thiết sẽ có nguồn hàng dự trữ cho cả xã hội khi cần.

Thứ hai, việc cho học sinh tiếp tục nghỉ học vào phút chót đã làm người dân lo lắng hơn vì nhiều người có thể suy đoán rằng tình hình trầm trọng hơn chứ không được cải thiện.

Trên thực tế, ngành y tế đã làm những việc cần thiết như đưa các thông tin cập nhật thường xuyên cho thấy tình hình đã được kiểm soát tốt và có sự cải thiện.

Đầu tuần Bộ y tế đã có văn bản trả lời cho Bộ giáo dục về khả năng có thể đi học ở những nơi không có dịch cùng với những khuyến cáo và hướng dẫn cần thiết.

Hầu hết các nước vẫn mở cửa trường học và ngày thứ sáu, số ca nhiễm mới ở Trung Quốc đã bắt đầu giảm và đến chủ nhật thì là ngày thứ ba giảm liên tiếp.

Đà tâm lý tuần tới sẽ đi học trở lại đã được tạo ra trong cả tuần. Tuy nhiên, đùng một cái, vào thứ sáu, Bộ Giáo dục lại có công văn về việc tiếp tục nghỉ học trên cả nước. 

Sở dĩ quyết định như vậy được đưa ra, có lẽ, là do áp lực của dư luận. Hệ quả tất yếu là vai trò của cơ quan chuyên môn đã bị lu mờ, trong khi đối với vấn đề sức khỏe ý kiến của cơ quan y tế nên là nơi tham khảo quan trọng nhất. 

Trong trường hợp, nếu cảm thấy không chắc chắn thì các cơ quan liên quan cần phối hợp tạo tâm lý cho công chúng có thể nghỉ tiếp chứ như hôm thứ sáu rồi là rất không nên. Tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược ảnh hưởng rất nhiều đến niềm tin của công chúng vào hệ thống công quyền.

Phải chăng hai bất cập nêu trên đã làm nhiều người đổ xô đi mua khẩu trang và các đồ dùng cần thiết dẫn đến tình trạng quá tải như bài báo dưới đây?

Đối với hai vấn đề trên, theo tôi, Nhà nước cần xem xét các vấn đề sau:

Thứ nhất, mặt bằng giá mới của khẩu trang cũng như những dụng cụ chống dịch cần thiết đã có nên cần để cho một sự điều chỉnh cần thiết vì đằng nào nhà nước cũng không cản được sự vận hành của thị trường. Việt Nam đã phải trả giá đắt thời kinh tế kế hoạch vì chống lại thị trường.

Thứ hai, cần có sự phối hợp và tính toán cũng như chuẩn bị tâm lý tốt hơn, tránh tình trạng ra quyết định quay ngoắt làm công chúng lo lắng hơn như vừa qua. 

Cuối cùng, có một điều không may mắn với Việt Nam là trong khi dịch bệnh như vậy mà vị trí Bộ trưởng Y tế lại bị khuyết. Nếu bà Nguyễn Thị Kim Tiến, người có chuyên môn và nhiều kinh nghiệm đối với dịch bệnh vẫn ở vị trí cho đến khi có Bộ trưởng mới có lẽ tốt hơn. 

Đây cũng là điều mà Nhà nước cần xem xét đối với công tác nhân sự để đảm bảo hệ thống vận hành tốt, sẵn sàng ứng phó tốt với các tình huống bất trắc.