Fica

Tung gói hỗ trợ doanh nghiệp có ảnh hưởng lạm phát?

Đinh Tuấn Minh
Đinh Tuấn Minh

Đây không phải là gói kích thích kinh tế, không phải là tiền mới từ ngân sách nhà nước được bơm vào nền kinh tế.

Đinh Tuấn Minh

Chuyên gia kinh tế - tài chính

Mới đây, Thủ tướng đã giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... với khách hàng gặp khó khăn vì Covid-19. Trước hết, các ngân hàng đưa ra gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng cho giải pháp này.

Bộ Tài chính cũng được yêu cầu khẩn trương trình Chính phủ cơ chế miễn, giảm thuế, lệ phí; đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước... ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Đây không phải là gói kích thích kinh tế, không phải là tiền mới từ ngân sách nhà nước được bơm vào nền kinh tế. Nếu có thì sẽ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, không giống như bản chất gói kích cầu năm 2009 mà là sự hỗ trợ từ phía ngân hàng đối với doanh nghiệp. Việc hỗ trợ này chủ yếu sẽ làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng.

Gói hỗ trợ tài khoá khoảng 30.000 tỷ đồng là giảm thuế, giãn thuế… cơ bản cũng không phải là hình thức bơm tiền vào kinh tế mà bản chất là một phần ngân sách đáng thu được nhưng chưa thu vội.

Cụ thể các gói này triển khai như thế nào, doanh nghiệp tiếp cận ra sao cần sớm được làm rõ, cần sớm có những hướng dẫn cụ thể để đối tượng được hỗ trợ có thể nắm được.

Ở thời điểm hiện tại, cả hai gói này đều có các hình thức chọn lọc cho đối tượng nhất định, không dàn trải… Tôi cho rằng trong ngắn hạn sẽ không gây áp lực về lạm phát.

Người đứng đầu Chính phủ gần đây vẫn nhấn mạnh mục tiêu đó là ổn định vĩ mô, đồng thời chưa đặt vấn đề nới lỏng chính sách tiền tệ hay đưa ra gói kích thích kinh tế.

Tôi cho rằng Chính phủ cần tiếp tục duy trì chính sách này. Duy trì ổn định vĩ mô rất quan trọng, tạo niềm tin cho nền kinh tế trong dài hạn.

Dù những tác động Covid-19 là lớn, đây là một cú sốc nhưng sau đó hồi phục như thế nào, có vững chắc hay không phụ thuộc vào nền tảng vĩ mô. Nếu lạm phát lớn, nợ công cao, nền tảng kinh doanh rủi ro, bất ổn… thì coi như thất bại.

Việc bơm tiền vào nền kinh tế có thể đỡ một chút trong thời điểm nhưng dài hạn thì đáng lo ngại. Tôi nhấn mạnh, nền tảng vĩ mô ổn định là rất quan trọng đối với Việt Nam.