Nguyễn Tiến Thoả
Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính)
Việc Bộ Công Thương dự kiến đưa áo dụng song song hai cách tính giá điện theo bậc thang và điện một giá để người tiêu dùng lựa chọn tôi không phản đối.
Tuy nhiên với phương án một giá bằng 145% và 155% của giá bán lẻ bình quân là cao. Tôi cũng không hiểu tại sao đưa ra mức này, tôi không tán thành.
Với giá bán lẻ là 1.864,44 đồng một kWh, người dùng sẽ phải trả khoảng 2.703 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT) nếu chọn phương án 145% và khoảng 2.890 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT) nếu chọn phương án 155%.
Mức giá trên đều cao hơn giá bán lẻ bình quân. Nó đã phá vỡ nguyên tắc cải tiến nhưng không được làm tăng giá bình quân. Điều này phải được minh bạch.
Phương án điện một giá như trong dự thảo nói thẳng ra là quá cao so với giá bán lẻ hiện hành nếu tính từ biểu giá bậc thang là 2.018 đồng/kWh.
Nếu so sánh trong nội bộ từng phương án giữa một giá và biểu giá điện bậc thang thì 92,9% số hộ dùng điện trả tiền điện tăng thêm từ 15.000 - 102.500 đồng (2A) và 52.000-122.100 đồng/hộ/tháng (2B). Còn lại 7,1% số hộ tiền dùng điện được giảm từ 83.000 - 240.000 đồng (2A) và 27.900 - 355.000 đồng/hộ/tháng (2B).
Tôi cho rằng, việc cải tiến biểu giá điện phải theo nguyên tắc không làm tăng giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân, tức là không làm tăng doanh thu ngành điện (nếu sản lượng điện không tăng và không có sự chuyển dịch trong tiêu dùng điện giữa các bậc so với trước).
Quan điểm của tôi là chọn phương án 1 như dự thảo. Tuy nhiên cũng cần hoàn thiện thêm: Điều chỉnh lại giá của các bậc thang để đảm bảo giá bình quân hiện hành.
Theo đó cần điều chỉnh lại các bước nhảy của bậc không để khoảng cách quá rộng giữa bậc 2 và bậc 3 là 33%, trong khi bậc 4 và bậc 5 cần khuyến khích tiết kiệm lại chênh lệch chỉ có 8%. Giải quyết được vấn đề này sẽ hạn chế "nhảy tiền" trong những tháng hè tiêu dùng nhiều điện.