Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI
Cách đây không lâu, phía Hoa Kỳ gửi cho Việt Nam một yêu cầu cắt giảm thuế quan tối huệ quốc MFN. Yêu cầu này tập trung vào việc cắt giảm thuế ở những mặt hàng mà Mỹ có thế mạnh như nông sản, thực phẩm. Mức cắt giảm được yêu cầu sẽ xuống bằng với mức cam kết của Việt Nam trong CPTPP.
Trong các nước có mặt hàng xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp với Mỹ, thì Việt Nam đã có FTAs với tất cả số đó, từ Canada, Australia, New Zealand, Trung Quốc, Nga, Nhật, Hàn, chờ thêm EV FTA nữa là có thêm EU. Như vậy, hàng hóa của Mỹ gặp bất lợi khi vào thị trường Việt Nam, bởi chúng phải chịu thuế MFN, trong khi đối thủ được hưởng thuế FTA. Có lẽ vì vậy mà Mỹ đề nghị Việt Nam hạ thuế MFN xuống bằng với mức của CPTPP.
Lưu ý rằng, yêu cầu này của Mỹ là đơn phương, không đánh đổi lại bất kỳ cam kết nào. Nếu có chăng thì có một sự ngầm hiểu rằng Mỹ sẽ không trừng phạt Việt Nam vì có thặng dư thương mại lớn.
Có vẻ như phía Việt Nam sẽ dễ dàng nhân nhượng. Trong một đề xuất mới đây của Bộ Tài chính về sửa đổi Nghị định 125/2017 về thuế MFN, tất cả các mặt hàng Mỹ yêu cầu giảm thuế đều được đáp ứng, vấn đề chỉ nằm ở mức giảm.
Bộ Tài chính đề nghị chấp nhận một phần các yêu cầu này để thể hiện sự thiện chí của Việt Nam trong việc giảm thặng dư thương mại. Tuy nhiên, Bộ vẫn đề nghị giữ lại một chút, không đáp ứng toàn bộ. mức thuế vẫn cao hơn đề nghị của Mỹ một chút. Theo Bộ này, việc giữ lại là nhằm tạo đòn bẩy trong trường hợp hai bên có đàm phán thương mại tiếp theo.
Một lần nữa, mình vẫn phải thừa nhận rằng Chính phủ Việt Nam đang ứng phó rất tốt với cơn bão chiến tranh thương mại của Trump.