Fica

Toan tính gì trong thương vụ M&A “khủng” nhất 2019?

Phan Lê Thành Long
Phan Lê Thành Long

VinCommerce (VCM) của Vingroup cần Masan Consumer Holding (MCH) trong chiến lược mới. Ngược lại, MCH cũng cần một hệ thống bán lẻ rộng khắp của VCM.

Ông Phan Lê Thành Long, Chuyên gia tài chính

Trong giao dịch sáp nhập này, Masan Consumer Holding (MCH) sẽ là bên mua, VCM (VinCommerce) và VinEco sẽ là bên bán. Xét trên góc độ chiến lược kinh doanh thì có lẽ đây là thương vụ lợi cả đôi bên.

Vì VCM cần MCH, trong khi đó MCH cần một hệ thống bán lẻ rộng khắp của VCM. Hiện MCH nắm giữ một hệ sinh thái sản xuất và 180.000 điểm phân phối hàng tiêu dùng, nắm những công ty con như Vinacafe Biên Hoà, Nước khoáng Vĩnh Hảo, Masan Meatlife... Trong khi đó, VCM có 120 siêu thị và 2.000 cửa hàng tiện lợi. VinEco thì có 30.000ha diện tích đất nông nghiệp.

Chiến lược của Masan trong phát triển ngành hàng tiêu dùng là lý do họ là bên mua. CIO của Masan cũng từng phát biểu tại diễn đàn chuyển đổi số gần đây rằng những nhà sản xuất như Masan, Vinamilk sợ rằng sẽ phải chia sẻ biên lợi nhuận cho các nhà phân phối, bán lẻ có khả năng khống chế thị trường. Và hiện tại chính nhà sản xuất Masan muốn trở thành kẻ khống chế thị trường đó.

Đặc biệt, MSN đang gánh rủi ro lớn. Bởi diễn biến thường lệ của giá cổ phiếu ngay sau công bố thương vụ M&A giống như bao thương vụ khác trên thế giới. Bên mua sẽ chịu rủi ro từ khả năng tích hợp và tạo giá trị cộng hưởng từ vụ sáp nhập.

Làm thế nào để bên mua tạo dòng tiền tương lai bù đắp cho phần thặng dư (premium) mà họ có thể phải trả để nắm quyền kiểm soát bên bán? Cổ đông bên bán có thể được hưởng lợi từ định giá (cao) từ thương vụ.

Trong giao dịch VCM huy động 500 triệu USD từ GIC gần đây, chuỗi VinMart được định giá hơn 3 tỷ USD, một con số rất cao trong bối cảnh các chỉ số tài chính được công bố chưa khả quan, hoặc số thật thì chỉ có bên mua biết.

Nhưng câu chuyện sẽ là cả bên mua và bên bán trong thương vụ này đều “tài năng” trong định giá và đàm phán cả.