Fica

“Tiền mặt xếp khối cất két, đút gầm giường trong nhà giàu Việt”

Võ Đại Lược
Võ Đại Lược

Tiền trong dân rất nhiều, chúng ta nhắc đến chuyện huy động vốn trong dân nhưng làm sao để đồng tiền có khả năng sinh lời rất khó.

GS. TSKH. Võ Đại Lược

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới

Tại hội nghị tổng kết cuối năm 2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc tới nhận định nổi tiếng của World Bank về Việt Nam: Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng lên Việt Nam.

Tôi cho rằng, đánh giá trên là có căn cứ. Nhìn sang các nền kinh tế trên thế giới, nhiều nước tăng trưởng chỉ ở mức 2-3%, thậm chí có những suy giảm. Tăng trưởng Mỹ chỉ hơn 2%, tăng trưởng kinh tế 2019 của Trung Quốc thấp nhất 30 năm qua, chỉ hơn 6%.

Trong khi đó, Việt Nam nằm trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chưa đến 3%. Tỷ giá ổn định. Dự trữ ngoại tệ mức 80 tỷ USD. Vốn FDI cao kỷ lục. 

Rõ ràng những thành tích chúng ta đạt được là rất đáng khích lệ. Không chỉ kinh tế, chính trị xã hội của chúng ta cũng ổn định, dù cơ bản có việc này, việc khác nhưng về cơ bản vẫn là điểm sáng trong thế giới bất ổn hiện nay.

Tuy nhiên, thành tích có, nhưng cũng nên thẳng thắn nhìn nhận với nhau về một số hạn chế mà theo tôi, đó là những “điểm vướng" cản trở sức bật của nền kinh tế.

Trước hết, nền kinh tế còn dựa nhiều vào khu vực FDI. Tính chung trong năm 2019, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 35,8 tỷ USD. Tính gia công của nền kinh tế lớn, giá trị gia tăng thêm còn thấp.

Việt Nam có tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP cao nhất thế giới. Với tình hình trên kinh tế Việt Nam có thể dễ dàng bị khủng hoảng do độ mở nền kinh tế quá lớn. 

Thứ hai, trong cơ cấu các doanh nghiệp hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng thấp. Đảng, Nhà nước xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhưng khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhỏ, sức cạnh tranh của nền kinh tế từ đó sẽ yếu kém.

Theo khảo sát của VCCI, tới 60% doanh nghiệp làm ăn không lãi, lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động cũng cao.

Doanh nghiệp nhà nước thời gian qua đã có những bước tiến, dù cải thiện nhưng sức cạnh tranh khó có thể so được với các tập đoàn xuyên quốc gia.

Về lý do kinh tế tư nhân còn hạn chế, tôi cho rằng, nguyên nhân thì có nhiều nhưng ở đây, điều mà tôi băn khoăn nhất là vấn đề lãi suất. Lãi suất quá cao, chưa kể doanh nghiệp muốn tiếp cận rất khó. Trong khi lãi suất cho vay các nước chỉ 2-3%, thậm chí có nơi lãi suất âm thì Việt Nam 9-10%.

Với đồng vốn vay như vậy, doanh nghiệp cạnh tranh thế nào được? Mức vay ưu đãi thì cũng 5-6% nhưng con số doanh nghiệp được hưởng chẳng thấm vào đâu. 

Chưa kể tỷ giá cũng có vấn đề, lạm phát bình quân 4% nhiều năm nay nhưng đồng bạc mất giá chỉ trong 2%. Đồng Việt Nam đang tăng giá. Trong khi đó, nền kinh tế lệ thuộc vào xuất khẩu nhiều sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Khi lãi suất đồng Việt Nam quá cao, chúng ta cũng cần lường đến việc có dòng tiền mang vào Việt Nam đầu cơ. Tức là họ quy đổi ra tiền Việt, cho vay lãi suất cao. Chưa có ai nghiên cứu về vấn đề này nhưng đó cũng là yếu tố cần lưu tâm, xem xét xem có chuyện này không. 

Tiền trong dân rất nhiều, chúng ta nhắc đến chuyện huy động vốn trong dân nhưng làm sao để đồng tiền có khả năng sinh lời rất khó.

Như tôi đã đề cập, theo thống kê của VCCI, 60% doanh nghiệp làm ăn không có lãi. Người dân chăm chăm mua vàng, mua đất cho chắc. Và thực ra, nhiều thời điểm nhiều người giàu lên đột ngột vì vàng, vì đất. 

Quay trở lại, tiền nhiều như vậy làm gì cho hiệu quả. Đối tượng có thể sử dụng tốt nhất nguồn vốn này là khối kinh tế tư nhân. Chỉ có khu vực này mới sử dụng hiệu quả. 

Phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân làm ăn, phát triển mạnh mẽ thì nguồn vốn trong dân mới huy động được và sử dụng hiệu quả. Cùng với đó có những chính sách thích hợp để hạn chế “vàng hoá", hạn chế rót tiền vào đất nền rồi để không, không tạo ra giá trị cho nền kinh tế.

Một kênh khác đó là thị trường chứng khoán, nếu làm tốt kênh này sẽ huy động được nguồn lực rất lớn. 

Tin liên quan
Cần khẩn trương tiếp sức cho doanh nghiệp

Cần khẩn trương tiếp sức cho doanh nghiệp

Ngay cả với mức GDP cả năm 2023 đạt 5% thì 6 tháng cuối năm GDP phải tăng 6,16% - một mức rất khó đạt được nếu không thực thi kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kinh tế.
Những bài học nhượng quyền

Những bài học nhượng quyền

Hai nguyên tắc cơ bản nhất của nhượng quyền là: Hãy chỉ nhượng quyền khi và chỉ khi mô hình đã được chứng minh là thành công ở quy mô chuỗi (ít nhất 3 điểm bán) và trong một...