Fica
  1. Góc nhìn

Tiền đề để sống chung với virus

Lê Thái Hà
Lê Thái Hà

Nhiều người dùng cụm từ "sống chung với dịch". Nhưng tôi cho rằng cách diễn đạt chính xác hơn là "sống chung với virus".

Virus là yếu tố khách quan, chúng ta sẽ phải sống chung với nó. Trong khi đó, dịch là yếu tố chủ quan, cách nói "sống chung với dịch" hàm ý để dịch tồn tại và không tác động đến dịch bệnh.

Chúng ta chỉ có thể sống chung với virus khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng vắc xin 2 mũi cho người dân ở mức cao, đặc biệt là đạt được tỷ lệ tiêm bao phủ cho nhóm trên 50 tuổi và người có bệnh nền, nhóm dễ bị chuyển biến xấu, có nguy cơ cao tử vong khi mắc Covid-19. Số liệu thực tế cho thấy tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại TPHCM của nhóm 51-60 tuổi cao chỉ sau nhóm 61-70 tuổi.

Vì vậy, điều kiện tiên quyết là phải tiêm vắc xin càng nhiều càng tốt. Khi chưa đạt được điều đó, chúng ta vẫn cần dè dặt, duy trì giãn cách và giám sát. Với tình hình hiện tại của TPHCM, tôi cho rằng chưa thể bỏ giãn cách hay nới lỏng do các ca nhiễm trong cộng đồng còn nhiều và tỷ lệ tiêm chủng vắc xin 2 mũi còn thấp, bao gồm cả tiêm ngừa cho nhóm trên 50 tuổi và có bệnh nền, cộng với nguồn thuốc điều trị Covid-19 chưa đủ. 

"Lãnh đạo TPHCM mới đây đã thông báo về việc kéo dài giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 1 tháng. Lo lắng không thể "trụ" lại ở TPHCM trong giai đoạn giãn cách kéo dài này, rất đông người dân đã tự chạy xe máy theo từng đoàn về quê, gây ùn tắc trong nhiều giờ tại các chốt kiểm soát ở cửa ngõ thành phố, khiến dịch dễ lây lan. 

Sau đó, lãnh đạo thành phố thông báo sẽ hỗ trợ tiền nhà trọ, lương thực, thực phẩm cho những người dân khó khăn trong tháng 8 và 9. Đây chắc chắn là việc cần thiết. Tuy nhiên, theo tôi, việc thông báo kéo dài giãn cách nên đi cùng với công bố về hỗ trợ tiền mặt và hiện vật của thành phố cho nhóm yếu thế, quan trọng hơn nữa là nhấn mạnh vào yếu tố "phủ rộng" thay vì "rà soát" các trường hợp của gói hỗ trợ như hiện tại. Điều này sẽ giúp tránh được sự hoang mang ở những người dân thuộc nhóm này khi nghe tin về việc kéo dài giãn cách, đặc biệt là những người lao động nhập cư, để họ có thể yên tâm ở lại TPHCM tránh dịch theo như yêu cầu của lãnh đạo thành phố.

Tình hình dịch bệnh trên thế giới hiện nay cho thấy nguy cơ sẽ xuất hiện các biến thể mới. Ngay cả khi chúng ta có giải quyết ổn định được đợt dịch hiện tại và việc tiêm vắc xin đạt mục tiêu 75% dân số như ban đầu đề ra (hiện tại nhiều quốc gia đã nâng mức tiêm kỳ vọng đạt miễn dịch cộng đồng lên 80-90% dân số), dịch vẫn có thể quay trở lại bất cứ lúc nào. 

Đó là lý do của việc cần phải chuẩn bị để sống trong trạng thái "bình thường mới" vì có lẽ trong tương lai gần, chúng ta sẽ chưa thể quay trở lại nếp sống và sinh hoạt như trước khi có đại dịch. 

Hiện việc tuyên truyền về sự cần thiết của tiêm vắc xin đã được thực hiện tốt nhưng nhiều người lại có xu hướng chủ quan sau khi đã tiêm chủng dù mới chỉ là tiêm mũi đầu. Vì vậy, cần tiếp tục phổ biến kiến thức, tuyên truyền về việc không phải cứ tiêm vắc xin (một hay 2 mũi) là sẽ đảm bảo an toàn 100% về việc không bị mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác. 

Nghiên cứu gần đây cho thấy người đã tiêm vắc xin khi bị nhiễm Covid-19, có khả năng lây lan cho người khác cũng ngang bằng như người chưa tiêm vắc xin. Do đó, ngay cả khi đã tiêm vắc xin, người dân vẫn cần duy trì các thói quen xếp hàng, giãn cách khi sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt ở môi trường không gian kín, và tuân thủ 5K khi ra đường, lao động. Ngay cả tất cả các shipper của thành phố sau khi tiêm vắc xin vẫn có khả năng lây nhiễm nếu mắc Covid-19 nên cần tổ chức việc nhận hàng từ siêu thị/chợ/cửa hàng và giao hàng đến khách tuân thủ giãn cách, không tiếp xúc với người giao/nhận.

Tiếp theo, cần sử dụng dịch vụ chăm sóc y tế từ xa (telehealth) thường xuyên hơn, biến dịch vụ này trở nên phổ biến trong giai đoạn bình thường mới. Ở nhiều nước, các bác sĩ và bệnh nhân đã sử dụng telehealth từ kiểm tra tim mạch đến điều trị tình trạng sức khỏe tâm thần mùa dịch, theo dõi các vấn đề biến chuyển tình trạng bệnh của F0 tự cách ly, điều trị tại nhà. Telehealth đặc biệt hữu dụng cho việc theo dõi, điều trị các bệnh ở tình trạng chưa nguy hiểm nhưng lại có tính lây nhiễm cao.

Và có lẽ sau đại dịch, chương trình giáo dục nên bổ sung việc trang bị cho học sinh, sinh viên các kỹ năng cần thiết để sống sót, khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần khi có các dịch bệnh hay thiên tai nguy hiểm, thậm chí là đại dịch xảy ra, cũng như các ý thức về cộng đồng, chia sẻ với nhau trong hoàn cảnh dịch bệnh hoặc thiên tai. 

Trong mùa dịch này, chúng ta thấy rõ tính cộng đồng quan trọng thế nào. Dù có giãn cách, không thể giao tiếp trực tiếp, chúng ta vẫn thấy tầm quan trọng của sự kết nối giữa con người với con người, sự hỗ trợ lẫn nhau trong mùa dịch. Trong một group mạng xã hội tôi tham gia, nhiều người sẵn sàng chuyển khoản tiền, hiện vật hỗ trợ cho cả những người dân cùng trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn mà họ không quen biết.

Các mô hình thành công của doanh nghiệp hay hộ gia đình cũng nên được phổ biến, nhân rộng. Ví dụ một số doanh nghiệp thực hiện đảm bảo an toàn lao động mùa dịch hoặc "3 tại chỗ" thành công thì có thể xem xét ứng dụng mô hình đó một cách linh hoạt cho các doanh nghiệp khác. Đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa sẵn sàng về nguồn lực hay thiếu kinh nghiệm sẽ dễ áp dụng hơn khi có một hình mẫu cụ thể để họ tham khảo, học hỏi.