Ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên đại học Fullbright
Thói hoang phí ngày một nặng hơn nên ông bố nghĩ ra đủ thứ trò để bắt mọi người è cổ đóng góp. Các thành viên trong gia đình rất bất bình.
Ở những gia đình mà ông bố chí thú làm ăn, tính toán chi li từng đồng để chăm lo cho gia đình thì giải pháp tốt nhất là để ông bố quyết tất.
Mong ước của người dân ở các quốc gia là có một chính phủ biết chăm lo cho mọi người, tính toán toán huy động các nguồn lực và chi tiêu ngân sách một cách hiệu quả.
Đáng tiếc, cách hành xử của nhà nước thường giống như ông bố nghiện rượu, thích tiêu hoang hơn là chi li cóp nhặt. Điều này đặc biệt phổ biến ở các nước đang phát triển.
Do vậy, nếu tập trung ngân sách một cục để nhà nước tự do quyết định thì rất nhiều bất cập. Đó là mảnh đất màu mỡ để mạnh ai nấy múc với đầy rẫy phi lý, khó có thể chấp nhận.
Với một nhà nước của dân, do dân và vì dân đúng nghĩa, người dân muốn giám sát việc chi tiêu của nhà nước, muốn biết tiền thuế mình nộp được dùng để làm gì.
Giải pháp là áp dụng cơ chế đồng mua mắm, đồng mua dưa và để cho các cấp chính quyền gần dân hơn có quyền tự quyết lớn hơn gắn với sự tham gia thực chất của người dân.
Một cách cụ thể, các sắc thuế nên được gắn với các mục tiêu chi tiêu rõ ràng và cụ thể.
Ví dụ, tăng thêm 3000 đồng thuế môi trường/lít xăng thì số tiền thu được bao nhiêu và dùng cho mục đích gì.
Hay giả sử có bắt chước Nhật Bản thu thuế/phí chia tay thì cần phải làm rõ các căn cứ và cách thức sử dụng.
Đây chính là lý do mà thuế gắn với mục tiêu sử dụng rõ ràng (một dạng thuế nhưng có tính chất phí) rất phổ biến trên thế giới, nhất là các nước phát triển.
Đáng tiếc, ở Việt Nam thường chỉ học một phần và viện cớ nước ngoài đã có nên mình cũng có thể có mà không tìm hiểu và áp dụng đến đầu đến đũa.
Gọi là thuế môi trường, nhưng ngân sách thu được gộp chung và dùng như thế nào thì rất mù mờ. Đùng một cái có đề xuất phí chia tay nhưng lý do và sử dụng cụ thể như thế nào thì chẳng ai biết.
Đập vào mắt công chúng chỉ là tham nhũng và kém hiệu quả nên ai mà chịu được.
Sẽ rất lạ nếu dân chúng không nhảy dựng lên với những đề xuất như trong trạng thái say rượu của các vị đại biểu quốc hội hay quan chức nhà nước để đáp ứng những nhu cầu “nghiện rượu và đàn đúm” của nhà nước.
Đồng ý là Việt Nam đang cần phải tìm những nguồn thu mới để tái cơ cấu và bù đắp cho những nguồn thu đang bị cạn kiệt. Tuy nhiên, song song với việc này cũng cần phải cơ cấu lại và minh bạch việc chi tiêu của nhà nước để người dân được biết.
Với các vị đại biểu quốc hội, dân bầu lên và đóng thuế để các vị ngồi đó bàn những chuyện quốc kế dân sinh nhằm đem lại lợi ích cho nước cho dân.
Do vậy, các vị cần tìm hiểu một cách rõ ràng với những luận cứ và giải pháp thuyết phục cho những đề xuất của mình.
Các vị không nên đưa lên diễn đàn Quốc hội những chuyện giống ở những quán trà chanh chém gió để cả xã hội phải lên ruột.
Việc tìm hiểu các kinh nghiệm bên ngoài và đưa ra các đề xuất là cần thiết. Tuy nhiên cần phải có các phân tích tổng thể cho những đề xuất của mình.
Theo tôi được biết thì mỗi đại biểu quốc hội đều có kinh phí cho việc này đến từ tiền thuế của dân. Các vị nên dùng các khoản này một cách hiệu quả để phục vụ cho công việc của mình, đem lại những điều tốt đẹp cho nước cho dân.
Ghi chú: Thuế là những khoản nộp theo nghĩa vụ chung mà người nộp thuế phải nộp mà không kèm theo một lợi ích cụ thể nào. Phí là khoản nộp gắn với những lợi ích hay dịch vụ cụ thể như phí cầu đường, công chứng chẳng hạn. Tuy nhiên, cũng có những dạng có cả hai tính chất như thuế bất động sản mà địa phương được quyền quyết định việc thu và sử dụng để phục vụ lợi ích của cộng đồng là rất rõ ràng.