Fica

Thực thi kém ảnh hưởng như thế nào?

Đậu Anh Tuấn
Đậu Anh Tuấn

Tiếp nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistic, thì không phải chất lượng của văn bản luật kém, mà là động cơ và năng lực thực thi pháp luật.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI

Sau thời gian dài các doanh nghiệp phát triển được tuyến hàng quá cảnh từ Trung Quốc sang Lào, Campuchia tới các nước Asean và ngược lại. Hành lang vận tải hàng hoá qua Việt Nam rất tiềm năng, đã đạt con số khoảng 2.000 containers hàng hoá mỗi tháng. Việt Nam được hưởng lợi đáng kể từ các dịch vụ logistic cung cấp cho tuyến này.

Tuy nhiên, nhiều cơ quan hải quan ở các cửa khẩu không quan tâm lắm lợi ích chiến lược này. Vì khi các container được cẩu từ xe Trung Quốc sang xe doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong khu vực giám sát của hải quan, họ rất siêng năng kiểm tra về sở hữu trí tuệ.

Tất nhiên, doanh nghiệp rất hợp tác, tạo điều kiện để kiểm tra hải quan thuận lợi. Nhưng sau khi hàng bị thông báo vi phạm sở hữu trí tuệ, thì người bị hải quan phạt không phải là các chủ hàng nước ngoài mà là chính là công ty Việt Nam, vốn chỉ làm dịch vụ vận chuyển. Có những chuyến hàng chưa phạt ngay ở cửa khẩu nhận hàng, mà chờ đến tận cửa khẩu xuất hàng sang Campuchia thì mới lôi ông vận chuyển ra để phạt.

Mà cách kiểm tra thực tế của hải quan theo như DN kể thì "khủng khiếp". Xe hàng bị lục tung, kiểm tra từng gói nhỏ, không phát hiện được vi phạm sở hữu trí tuệ thì quay ra phạt DN khai sai…vài cái áo, cuộn vải, dù đó chỉ là hàng mượn đường.

Kiểm tra xong đóng trở lại cont thì hàng đã tung toé, kiện này vào kiện khác, có khi thừa ra cả vài khối. Kém may mắn đúng hôm mưa thì có khi hỏng cả hàng...

Hàng này vốn là hàng quá cảnh, từ Trung Quốc xuất sang nước khác, chỉ mượn đường qua Việt Nam. DN vận tải trong nước không dễ gì biết được hàng hoá mà chủ hàng gửi vi phạm sở hữu trí tuệ như thế nào. Thậm chí có muốn cũng không thể biết được vì container hàng luôn phải để nguyên chì giám sát hải quan. Theo pháp luật Việt Nam (như Luật Thương mại) hay các các hiệp định quá cảnh thì khi quá cảnh, hàng hóa trong container kẹp chì giám sát hải quan thuộc sở hữu của chủ hàng nước ngoài, đối tượng bị xử phạt phải là các chủ hàng nước ngoài.

Nhưng không, để cho dễ, cơ quan thực thi cứ túm luôn mấy ông DN trong nước để phạt. Hải quan phán hàng quá cảnh vi phạm sở hữu trí tuệ, DN vận chuyển cuống quít tìm chủ hàng, chủ hàng lại cam đoan không hề vi phạm. Cuối cùng, chỉ DN trong nước chịu chết, ngậm ngùi nộp phạt!

Thực tế hiện nay là một số DN đã phải bỏ khách không dám nhận hàng, lỡ đầu tư sắm xe cũng phải "bỏ chạy làng". Rõ ràng với cách áp dụng pháp luật như thế này sẽ làm giảm cơ hội phát triển một ngành dịch vụ logistic đang còn non trẻ của Việt Nam, làm hạn chế vị thế, vai trò của Việt Nam trong chuỗi sản xuất, vận tải của khu vực và thế giới.

Đường qua Việt Nam tắc, trục trặc thì hàng sẽ phải chảy qua đường khác. Thậm chí, có một con đường khác thông thoáng hơn là từ Trung Quốc qua Myanmar, Thái Lan sẵn sàng thay thế.

Nguy hại hơn nữa, một chủ DN cho biết, dù cơ quan chức năng làm “gắt” thế, nhưng nếu DN logistic trong nước nào "biết điều" thì sẽ được bỏ qua, quy trình xét sở hữu trí tuệ dễ ngay. Nhưng chủ DN này lắc đầu nói: “Nguy hiểm lắm, DN tôi không dám làm cách đó, không dám cho chủ hàng TQ biết có thể làm được điều này. Vì họ sẽ gửi ngay hàng cấm và hàng phi pháp trong những chuyến hàng qua Việt Nam. Khi đó Việt Nam chỉ có chết!”