Nguyễn Minh Đức – Ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI)
Nhiều người chê trách doanh nghiệp Việt Nam cứ có tranh chấp là gửi đơn lên Thủ tướng, mà không kiện ra toà. Bản thân tôi cũng thấy doanh nghiệp hành xử không đúng, nhưng nghĩ lại thì cũng có lý của họ.
Mà chẳng cứ gì Thủ tướng, đến Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Tổng bí thư... thậm chí cả ông Bá Thanh lúc còn sống cũng thường được gọi tên trong những lá ĐƠN KÊU CỨU KHẨN CẤP.
Những lá đơn đó, ngoài việc phản ánh sự thiếu hiểu biết pháp luật, còn phản ánh cả sự thiếu niềm tin vào tư pháp. Dân đâu có tin thẩm phán, doanh nghiệp đâu có tin chấp hành viên, mà không tin thì cũng có lý do!
Tôi hay ngồi nói chuyện với các luật sư về hoạt động của toà, của thi hành án. Đôi lúc, tôi cảm giác như thẩm phán, chấp hành viên đang là giám khảo cho một cuộc thi toàn quốc để tìm ra người kiên nhẫn nhất Việt Nam.
Luật quy định: có đơn kiện là phải thụ lý, sau đó cho đương sự bổ sung chứng cứ sau, miễn là có đủ thời gian để toà và các bên xem xét chứng cứ trước khi xử. Nhưng nói thật là, chẳng mấy toà nào nhận đơn kiểu như vậy cả. Họ sẽ yêu cầu bổ sung hết thứ này đến thứ khác, từ xác nhận nơi cư trú của bị đơn và người liên quan, xác nhận đăng ký kinh doanh bản mới nhất... Thậm chí có toà còn yêu cầu phải trình được giấy chứng tử của ông bà của đương sự, những người sinh ra từ 120 năm trước và đã chết từ nạn đói 1945 (!)
Tuy nhiên, có luật sư cũng nói thật với tôi, muốn đơn kiện được thụ lý thì nộp kèm phong bì nhanh hơn là nộp kèm chứng cứ.
Luật quy định: án 2-3 tháng phải xử. Nhưng thực tế thì thẩm phán tìm đủ mọi cách để tạm đình chỉ. Nhẹ nhàng thì gọi đương sự lên đề nghị làm đơn rút. Nặng nề hơn thì gây sức ép, doạ nạt. Gian manh hơn là giả vờ gửi công văn cho một bên khác để xác minh. Thật thà hơn thì ỉm đi luôn, không đả động gì. Toà cấp trên cũng chẳng bao giờ kỷ luật thẩm phán để án quá hạn.
Chưa bao giờ có một thống kê chi tiết và công khai về thời gian giải quyết án tại toà. Nhưng theo những người có kinh nghiệm, đã kiện cáo thì phải tính đơn vị thời gian bằng năm.
Thế nhưng nói chuyện toà thì cũng phải nói chuyện thi hành án, với mức độ nhũng nhiễu và tiêu cực còn cao hơn nhiều.
Có lần tôi vừa mới nói đến từ “thi hành án” trước mặt một luật sư, anh ta chỉ vào một chồng tài liệu phủ bụi xếp ở góc phòng và nói: “Đây là những vụ đã có bản án nhưng không được thi hành.” Tôi mới hỏi: “Thế chẳng nhẽ không có cách nào?”. Anh ta nói: “Có giá hết em ơi. Em cứ chịu cắt phí 50% thì nhanh lắm”. Anh nói thêm: “Thẩm phán, gặp 10 người còn được 2 người, chấp hành viên thì không được ai”.
Lại có lần tôi ngồi với một doanh nghiệp giáo dục phổ thông, chị ấy thao thao bất tuyệt về ý tưởng bỏ tiền tỷ đầu tư xây dựng một bộ sách giáo khoa và tập bài giảng. Nhưng chị ấy hỏi tôi: “Thế nhỡ có một đứa giáo viên của chị cầm tập bài giảng đó đi mở trường khác thì chị có kiện được không?”. Sau khi nghe tôi nói về hợp đồng lao động, về hệ thống toà án và thi hành án, chị ấy ngậm ngùi. Vài năm rồi cũng không thấy dự án của chị tiếp tục.
Dù Thủ tướng có kêu gọi cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đến đâu, dù bộ máy hành chính đã bắt đầu có chuyển biến nhất định, nhưng nếu các thẩm phán và chấp hành viên vẫn cứ bình chân như vại, thì chẳng ai dám đầu tư hay ký hợp đồng gì nữa. Mà nếu có dám làm, thì khi có “biến”, người ta lại sẽ tiếp tục gửi đơn lên Thủ tướng, chứ chẳng ai dở hơi mà nộp đơn kiện ra toà!