Fica

Thị trường lừa thuật toán

Nguyễn Hồng Điệp
Nguyễn Hồng Điệp

Do qui mô thị trường còn quá nhỏ, khi thuật toán của một vài Quĩ mở bị kích hoạt, sự bán ròng của khối ngoại trở thành vấn nạn.

Nguyễn Hồng Điệp

Chuyên gia chứng khoán

Có một vài nhà đầu tư nói với tôi rằng: Không hiểu sao em cứ vào con nào, là sau đấy nó lại giảm, số em nó đen quá. Bỏ qua câu chuyện không may mắn, việc mua sai mã, sai thời điểm, là việc rất thường gặp trên TTCK.

Chỉ có khoảng 3% số người bắt đúng đáy, 1% số người ra đúng đỉnh. Đối với các tổ chức tài chính, các Quĩ đầu tư, họ nhận thấy nếu để cảm xúc tác động vào quyết định trading, sẽ rất nguy hiểm. Cho nên, họ sáng tạo ra các "thuật toán", hay chúng ta hay gọi là các robot, để xử lý các vấn đề khi có bất thường. Nhưng thực sự có hiệu quả hay không?

Tôi xin kể câu chuyện thuộc loại "thâm cung bí sử" của chứng khoán.

Có một thời gian, tôi phụ trách quản trị rủi ro (QTRR) của 1 CTCK lớn. Vị Chủ tịch và Tổng giám đốc đều là dân công nghệ, rất giỏi. Chúng tôi được định hướng xây dựng hệ thống QTRR dựa trên nền tảng phân tích bằng Robot. Các mã màu xanh (an toàn) phải đáp ứng những tiêu chuẩn thị trường do hệ thống cài đặt. Đương nhiên yếu tố thanh khoản có trọng số lớn nhất. Dù đây là dự án bí mật, nhưng ở Việt Nam, chả có gì che mắt được thị trường. Dựa vào cơ sở thuật toán này, một vài bộ óc thông minh, đã lên kế hoạch để "lừa" chúng tôi. Nếu các bạn chưa quên, thì có một giai đoạn, nhà đầu tư mất rất ít, mà CTCK mất là chủ yếu. Những khoản cho vay (đổ vỏ) của các CTCK được bí mật khoanh lại. Số phận của chúng không ai biết nữa.

Các quĩ đầu tư đều xây dựng Rule (luật, quy tắc). Con người có rất ít "quyền" can thiệp, khi có kích hoạt. Đặc biệt đối với các quĩ mở, giao dịch thường xuyên, như ETF chẳng hạn. Những bạn nào đã được chúng tôi đào tạo về ETF, hẳn còn nhớ nguyên tắc: giảm bán, tăng mua. Ở trong những điều kiện cân bằng (rút và bơm), nếu giá cổ phiếu rớt, quĩ sẽ bán ra. Đến một lúc nào đó, nếu Floatcap giảm đến mức vi phạm, cổ phiếu đó sẽ bị giảm tỷ trọng, thậm chí loại ra (bán toàn bộ). ETF và một số Quĩ mở, tracking theo chỉ số thị trường. Các thuật toán bám sát chỉ số. Cũng dễ hiểu, khi chỉ số đi xuống, NĐT sẽ rút tiền, chứ không bao giờ bơm để bắt đáy như tư duy thông thường. Việc này chỉ dừng lại, khi có một lượng tiền tươi, nhận thấy giá đã đủ rẻ, để họ "lao vào" mua. Hành vi này sẽ "kích hoạt" thuật toán, để quĩ "trở mặt", mua điên cuồng.

Hiện nay chứng khoán Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn. Do qui mô thị trường còn quá nhỏ, khi thuật toán của một vài Quĩ mở bị kích hoạt, sự bán ròng của khối ngoại trở thành vấn nạn. Việc bán ròng của khối ngoại, ngoài lý do để cân bằng danh mục, giữ vị thế, còn có tỷ lệ lớn đến từ quyết định hành vi do robot. 

Nhưng bản chất thuật toán là do con người sáng lập ra, cho nên việc "lừa" thuật toán cũng không phải là việc khó. Một khi thị trường đủ hấp dẫn, gió sẽ đổi chiều. Chúng ta hy vọng, mọi thứ sẽ qua đi, màu xanh thân thương sẽ quay về trên thị trường chứng khoán.