Fica
  1. Góc nhìn

Thế nào là làm giá?

Nguyễn Minh Đức
Nguyễn Minh Đức

Thực sự là khi nghe dân tình hoặc nhiều nhà báo kêu mặt hàng này bị làm giá, mặt hàng kia bị thao túng giá mà mình không biết người ta có hiểu họ đang nói gì không nữa. Ví như thịt lợn gần đây cứ bị kêu là đang bị làm giá nên mới đắt như vậy.

Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI

Nhưng ai cũng biết, nếu sạp thịt lợn đầu chợ mà bán đắt thì người ta đi đến sạp thịt cuối chợ để mua. Nếu tất cả sạp thịt ở chợ này đắt thì người ta sang chợ bên cạnh mua. Tiếp tục theo đó, nếu lò mổ này bán đắt thì chỉ vài hôm sau các bà bán thịt lợn sẽ chuyển sang mua của lò khác. Và nếu trang trại nào bán lợn giá cao thì các chủ lò mổ sang mua của trang trại khác.

Cái lý của kinh tế thị trường là vậy, khi người mua có sự lựa chọn thì người ta luôn chọn mua từ người bán rẻ nhất. Vấn đề chỉ đặt ra khi người mua không có sự lựa chọn. Tức là khi người bán độc quyền hoặc có vị trí thống lĩnh, chiếm thị phần lớn hoặc nhiều người bán cùng thông đồng với nhau để nâng giá. Chỉ khi đó, người bán mới có thể nâng giá mà không lo người ta chuyển sang mua của người bán khác.

Tất cả những hành vi nâng giá khi độc quyền, thống lĩnh hay thỏa thuận cùng nhau nâng giá đều bị cấm theo Luật Cạnh tranh của Việt Nam và của hầu hết quốc gia khác trên thế giới.

Vậy nên, thay vì buông tõng một câu "Thịt lợn bị làm giá" để đổ lỗi cho sự tham lam của người bán và đòi Nhà nước phải đặt giá trần thì đầu tiên hãy làm ơn chứng minh rằng người ta đang vi phạm luật cạnh tranh. Chứ nếu người ta không làm gì sai mà cứ chửi rủa và bắt người ta phải giảm giá thì khác gì đòi đất nước này quay trở lại thời bao cấp.