Fica
  1. Góc nhìn

Tăng trưởng GDP 6 tháng 5,64% là con số thực chất

Huỳnh Thế Du
Huỳnh Thế Du

Tôi cho rằng con số này phản ánh thực chất nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn qua. Vì cơ bản có một bộ phận rất khó khăn vì dịch bệnh nhưng không phải tất cả.

TS. Huỳnh Thế Du

Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

Dù dịch diễn biến phức tạp, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt hơn 5,64%. Dựa vào thông tin trên truyền thông và một số quan điểm trên mạng xã hội có thể thấy có một số người nghi ngờ hay đặt dấu hỏi về con số này.

Tuy nhiên, tôi cho rằng con số này phản ánh thực chất nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn qua. Vì cơ bản có một bộ phận rất khó khăn vì dịch bệnh nhưng không phải tất cả. Đa số các hoạt động kinh tế không quá khác biệt nhiều so với thời điểm trước khi có dịch.

Có 3 dấu hiệu dưới đây phản ánh nhận định này.

Thứ nhất, các hoạt động ngoại thương vẫn rất sôi động, thể hiện ở tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu tăng 28,4% và nhập khẩu tăng 36,1%.

Thứ hai, thu ngân sách đạt đến 57,7% dự toán (6 tháng đầu năm các năm trước thường thấp hơn 50%) và thu nội địa đạt 55,9% dự toán. Có hoạt động kinh tế thì mới có thể thu được ngân sách. Thực tế, tôi đi một số địa phương thấy các hoạt động kinh tế vẫn sôi động.

Thứ ba, các hoạt động của người dân và mức tiêu dùng trong xã hội vẫn bình thường. Tôi thấy sức mua tại chợ Tân Mỹ, quận 7, TPHCM gần đây không khác nhiều so với hai năm trước đây và các hoạt động mua bán ở chợ Đồng Xoài, Bình Phước hôm chủ nhật tuần trước vẫn rất sôi động. Tôi thấy nó bình thường như rất nhiều chợ trung tâm ở các tỉnh lỵ trước đó.

Những sai số về tính toán luôn là chuyện muôn thuở trong thống kê, nhất là ở Việt Nam. Tôi thừa nhận có những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề như vận tải, du lịch, nhà hàng... Nhưng phải xem tỷ trọng những ngành này chiếm bao nhiêu trong tổng thể nền kinh tế.

Rõ ràng không phải toàn bộ nền kinh tế đều bị ảnh hưởng nặng nề. Đa số vẫn duy trì chứ không hẳn phải đóng cửa triền miên, tê liệt đến vài tháng, nửa năm...

Việt Nam đạt được kết quả kinh tế như hiện nay và kết quả chống dịch vẫn hết sức tích cực, cho dù ở giai đoạn khó khăn nhất, nhưng so với nhiều nước khác thì mức độ nghiêm trọng của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều, là do cách chống dịch rất Việt Nam, thấy vậy mà không phải vậy.

Nếu chỉ đọc tin tức trên truyền thông và mạng xã hội thì sẽ thấy rằng trong hơn một năm qua, nhiều thời điểm nền kinh tế Việt Nam dường như phải dừng hẳn lại vì ưu tiên chống dịch. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.

Kết quả chống dịch tốt là nhờ Việt Nam đã áp dụng nhất quán những giải pháp cơ bản, chi phí thấp đối với các cá nhân và toàn xã hội gồm: (1) đeo khẩu trang (điều này được thực thi hết sức nghiêm ngặt); (2) giãn cách xã hội và hạn chế tụ tập đông người; và (3) truy vết và cách ly các đối tượng F có nguy cơ bị bệnh và lây nhiễm cao.

Đối với nền kinh tế, hầu hết hoạt động vẫn bình thường. Ví dụ, trong những ngày "nước sôi lửa bỏng" ở TPHCM gần đây thì các quy định về chống dịch, giãn cách, dừng hoạt động chỉ được thực thi nghiêm ngặt đối với những trường hợp, tình huống có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc hiển hiện trước mắt truyền thông, trong khi nhiều hoạt động khác vẫn bình thường.

Nói cách khác, đời sống và mức sinh hoạt cơ bản của rất nhiều người dân vẫn bình thường. Các chợ truyền thống về cơ bản vẫn vậy, các hoạt động bị ảnh hưởng nhiều là các trung tâm mua sắm hoặc một số hoạt động dịch vụ cao cấp cho tầng lớp thu nhập khá trong xã hội mà thôi. Thực tế, số sử dụng các hoạt động dịch vụ cao cấp chưa nhiều nên mức độ ảnh hưởng của chúng là không lớn.

Cuối cùng, dịch bệnh như hiện tại thì các đối tượng yếu thế trong xã hội bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đây là việc của Nhà nước và cộng đồng. Trên thực tế, Nhà nước có nhiều hạn chế và giới hạn nên các chính sách chăm lo các đối tượng yếu thế trong xã hội chưa thực sự hiệu quả. Đối với cộng đồng, cho dù có những hình ảnh đẹp, nhưng vai trò của trụ cột này trong xã hội, so với nhiều nơi khác trên thế giới, vẫn còn rất khiêm tốn.