Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Bagico:
1. Xuất khẩu tiểu ngạch theo chính sách “cư dân biên giới”
+ Về phía Việt Nam thủ tục đơn giản, có CMND biên giới/hộ kinh doanh biên giới là có thể làm thủ tục xuất khẩu (XK), không thuế VAT, không cần chuyển tiền qua ngân hàng (giảm ít nhất khoảng 0,5% các loại chi phí đổi tiền).
+ Phía TQ thuế xuất hóa đơn vào nội địa khoảng 4,6%, các thủ tục cũng đơn giản và có thể gian lận số lượng, nhập nhèm chất lượng, hoặc trốn thuế.
2. Xuất khẩu chính ngạch qua các cửa khẩu quốc tế
+ Phía Việt Nam: phải có hợp đồng ngoại thương (có công ty TQ ký), thanh toán tiền phải đi qua ngân hàng. Chi phí thanh toán qua ngân hàng và đổi ngoại tệ sẽ tốn hơn thanh toán cư dân biên giới (từ 0,5- 1%) .
+ Phía TQ : nhập khẩu chính ngạch thủ tục chặt chẽ hơn, thuế VAT từ 11% trở lên.
+ Các hàng hóa tạm nhập tái xuất (hàng mượn đường XK) thì chẳng phải chịu thuế gì. Đi tiểu ngạch hay chính ngạch đều được.
3. Tại sao doanh nghiệp Việt Nam không thu mua và xuất tiểu ngạch ?
+ Nếu DN thu mua và xuất tiểu ngạch thì phía TQ không được chấp thuận, nếu DN Việt làm thủ tục xuất nhưng DN TQ không làm thủ tục nhập mà nhập theo “cư dân biên giới” sẽ bị phạt.
+ Nếu DN Việt thu mua của dân theo chuỗi mà xuất bán cho hộ kinh doanh hoặc cư dân biên giới VIệt Nam sẽ phải nộp 5% thuế VAT.
4. So sánh lợi ích :
+ Con đường nào thì tất cả chi phí cũng tính vào giá vốn hàng bán đến cuối cùng. Vì thế để giảm chi phí các thương lái đã lựa chọn xuất tiểu ngạch "cư dân biên giới" và với cách quản lý của Việt Nam hiện nay thì họ có thể đi bất cứ đâu hoặc thông qua một người dân VN là có thể thu mua và đem về TQ.
+ Xuất khẩu theo "Cư dân biên giới" sẽ giảm chi phí được cả 2 bên khoảng 10% so với xuất chính ngạch. Vì thế sự lựa chọn xuất Tiểu ngạch vẫn là ưu tiên, trừ phi với những hàng hóa bán vào siêu thị hoặc đơn vị được khấu trừ thuế VAT của TQ.
5. Cần cải cách chính sách thuế.
+ Nếu còn sự phân biệt thuế VAT giữa hộ cá thể/ cư dân với DN thì sẽ khó khuyến khích DN hạch toán qua sổ sách phản ánh đúng doanh số XK. Và các DN cũng khó cạnh tranh được với thương lái!
+ Khi các DN không tham gia vào chuỗi thu mua XK thì khó có thể đưa liên kết chuỗi mở rộng và hiệu quả, người lao động, phương tiện, hàng hóa, chất lượng... cũng khó có thể quản lý và đặc biệt là dòng tiền!
+ Trong giai đoạn hiện nay để khuyến khích các DN tham gia vào chuỗi liên kết đề nghị thuế VAT của DN cũng là 0% như hộ cá thể. Các DN tham gia vào chuỗi có thể vẫn linh hoạt XK tiểu ngạch hay chính ngạch. Khi tạo được chuỗi liên kết cạnh tranh dưới mọi góc độ, DN sẽ có sẵn một hệ thống cung ứng để thúc đẩy nâng cao chất lượng, chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản.
Tham khảo Thông tư số 219/2013/TT-BTC tại Khoản 5, Điều 5 Thông tư trên quy định tính thuế với hàng nông sản chưa qua chế biến như sau:
"Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hóa đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.
Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5% hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư này.
Hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT khi bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu".