Fica

Tại sao chúng ta cần quan tâm về dịch cúm coronavirus?

Kinh tế bây giờ là kinh tế hội nhập, thị trường bây giờ là thị trường liên thông. Và vậy là các ngành như du lịch, dịch vụ, thương mại sẽ bị thiệt hại nặng. Kế đến các ngành công nghiệp, sản xuất... cũng bị đình đốn.

Đỗ Hoà

Chuyên gia quản trị về Chiến lược - Rủi ro

A. Về góc độ cộng đồng.

1. Tôi nghĩ trước hết là vì sự an toàn tính mạng và sức khỏe của chúng ta, gia đình và người thân, bạn bè của chúng ta. 

Vậy sao không âm thầm mà quan tâm mà phải theo dõi và chia sẻ thông tin về diễn tiến của dịch bệnh?

Vì đây không phải là vấn đề y tế cá nhân, nó là y tế cộng đồng. 
Y tế cá nhân thì bạn muốn làm gì tùy bạn. Bạn muốn có sức khỏe tốt thì bạn tự mình giữ gìn, tự mình chăm sóc bản thân. Và nếu bạn có bệnh hoạn gì thì bạn cũng tự chịu lấy.

Còn y tế cộng đồng là vấn đề có liên quan đến từng cá nhân trong cộng đồng.
Một cộng đồng 10 người, trong đó 9 người có ý thức giữ gìn còn 1 người thì chủ quan không giữ gìn, để nhiễm bệnh thì có thể lây lan cho 9 người còn lại.

Vậy nên nếu muốn không bị lây bịnh thì tự mỗi người giữ gìn thôi chưa đủ, mà phải lôi kéo những người chung quanh mình cùng giữ gìn thì mới được.

Y tế cộng đồng muốn hiệu quả thì luôn cần có sự chung tay của chính quyền, giới chuyên môn, và người dân. Chính vì vậy nên chính quyền định đối phó thế nào, kế hoạch định làm gì thì phải truyền thông cho người dân biêt để người ta hưởng ứng và tuân thủ những chính sách, qui định của chính quyền. Chính vì vậy nên ở các nước người ta chủ đọng và rất tích cực trong việc truyền thông. 

Chính quyền không thể kiểm soát từng người dân, mà cần sự tham gia của người dân. Từng người dân phải tự giác nhắc nhở nhau, có biện pháp can thiệp khi cần. Và ngay cả khi có quân đội tham gia thì vai trò tình nguyện của người dân vẫn là hết sức cần thiết.

Trong một tập thể, hay một cộng đồng, thì luôn có người này người khác. 

Có người biết lo xa, có người biết tính toán lợi hại, có người có nhiệt tình sẵn sàng làm việc "vác tù và hàng tổng"... Thì ngược lại cũng có người vô lo, vô tư, người sống theo kiểu đến đâu hay đến đó, "chưa thấy quan tài thì chưa đổ lệ", có người ích kỷ chỉ biết lo cho bản thân mình, người khác thì "sống chết mặc bây". Lại có người chỉ biết lo nhưng không biết nói, và có người không biết tính toán, nhưng biết cách ăn nói, không biết cách thuyết phục người khác.v.v.

Vậy nên theo tôi, khi gặp những việc như dịch bệnh thế này, ai lo được gì thì lo, ai không lo thì thôi, chúng ta không cần phải đi cải vả, tranh chấp đúng sai với nhau làm gì.

2. Kế đến là tôi nghĩ đến tác động về mặt kinh tế.

Dịch này dù tổn thất về nhân mạng VN có cao hay không, thì tổn thất kinh tế là không tránh khỏi. Kinh tế bây giờ là kinh tế hội nhập, thị trường bây giờ là thị trường liên thông. Và vậy là các ngành như du lịch, dịch vụ, thương mại sẽ bị thiệt hại nặng. Kế đến các ngành công nghiệp, sản xuất... cũng bị đình đốn. Nền kinh tế sẽ bị thiệt hại dính chùm với tình hình chung của toàn khu vực, của toàn cầu. Vậy nên cần có sự nhìn nhận, đánh giá khách quan để từ đó đề ra kế hoạch giảm thiểu tổn thất. 

3. Tại sao nên công khai minh bạch.

Vì phụ thuộc vào tình hình chung của toàn khu vực, nên thay vì dấu thông tin, thay vì nói "tui không bị", thì hãy cho họ biết mình bị thế nào, để cùng hợp tác với người ta và để người ta biết mà giúp mình khắc phục cho nhanh và rốt ráo.

Công khai minh bạch giúp giảm thiệt hại vì bức tranh được thấy rõ, không ai che dấu gì, mức độ ra sao là mình biết vậy. Nhờ vậy mà hoàn toàn chủ động trong việc tính toán đối phó, và xây dựng kế hoạch, nguồn lực khắc phục hậu quả. Không bị yếu tố bất ngờ, không bị chi phí phát sinh ngoài dự tính, không bị kéo dài thời gian. Nhờ vậy mà khi dịch đi qua, mình có thể bật dậy nhanh, thay vì phải tiếp tục tự mình âm thầm mất thời gian và nguồn lực xử lý những việc trước đó chưa biết do che dấu thông tin.

B. Về góc độ doanh nghiệp.

Với doanh nghiệp thì nhân viên thừa hành, công nhân trực tiếp có thể chấp nhận họ có thái độ vô tư đối với diễn biến bệnh dịch này. Nhưng câp quản lý mà vô tư, thờ ơ với những sự kiện lớn, có tác động tiêu cực lên hoạt động của doanh nghiệp như dịch bệnh coronavirus này, thì tôi cho là không ổn!

Rõ ràng chúng ta vừa xây dựng kế hoạch kinh doanh xong, trong phần chiến lược thường có phần Risk Management (quản lý rủi ro) ở đoạn cuối, nhưng tôi tin là hầu hết các doanh nghiệp đã không tính đến tác động của dịch bệnh như thế này. Vậy cấp quản lý mà vô tư, không lo lắng gì, tức là họ không có trách nhiệm cam kết gì với việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp vừa đề ra.

Trước mắt:

Tôi nghĩ việc cần làm ngay sau khi mọi người nghỉ Tết xong, trở lại với công việc, là phải đánh giá tác động (về cả mặt tiêu cực, tích cực) của bệnh dịch này đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, phải đưa ra dự báo tổn thất, mức độ thiệt hại, tương ứng với thời gian kéo dài của nó. Để từ đó điều chỉnh chiến lược và kế hoạch kinh doanh, đề ra kế hoạch hành động khẩn cấp để khắc phục, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho doanh nghiệp. Cũng như là nắm bắt những cơ hội kinh doanh (nếu có) phát sinh từ sự cố dịch bệnh này.

Risk management (quản trị rủi ro) phải là một nhiệm vụ quan trọng trong các nhiệm vụ chính yếu của các cấp quản lý, biết lo xa và có trách nhiệm với những gì đã cam kết là tố chất của người làm công việc quản lý.