Fica
  1. Góc nhìn

Tác động kinh tế của Covid-19

Hiện vẫn chưa biết dịch đến bao giờ mới kết thúc, nên tổn thất kinh tế do dịch gây ra cũng chỉ mới là tạm ước lượng.

Đỗ Hoà

Chuyên gia về Quản trị rủi ro

Theo một chuyên gia kinh tế của Deutsche Bank, dịch cúm này có thể xén mất 1,5 điểm phần trăm của GDP Trung Quốc. Ông này hạ tăng trưởng GDP 2020 của Trung Quốc từ 6,1% xuống còn 4,6%. Và đây mới chỉ là dự báo dựa trên những thông tin về diễn biến Covid-19 được Trung Quốc công bố chính thức.

Ngành du lịch Nga ước bị thiệt hại khoảng 200 triệu USD trong quý I khi nước này ngưng cho nhập cảnh người Trung Quốc vào Nga vì sợ lây dịch. Các hãng hàng không Nga sẽ ngưng các đường bay đến Trung Quốc cho đến cuối tháng 3.

Singapore dự chi 5,6 tỉ USD để hỗ trợ kinh tế trong năm 2020. Kinh tế Singapore vốn đã có biểu hiện suy thoái từ 2019, nay thêm ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên chính phủ Singapore phải bơm khá "nặng đô".

Kinh tế Việt Nam cũng chịu thiệt hại không kém, do mức độ phụ thuộc của kinh tế Việt Nam với Trung Quốc là khá cao, hầu hết các ngành kinh tế của Việt Nam đều phụ thuộc lớn vào Trung Quốc. 

Với sản phẩm nông nghiệp, cây công nghiệp thì Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính. Từ gạo đến cà phê, cao su, nông sản, trái cây các loại...

Sản xuất công nghiệp tiêu dùng thì Trung Quốc là nguồn cung nguyên vật liệu, thiết bị phụ tùng, máy móc sản xuất. Công nghiệp nặng cũng vậy.

Du lịch thì những năm gần đây, khách Trung Quốc là nguồn thu nhập quan trọng của nhiều địa phương. Thiếu lượng khách Trung Quốc, nhiều khách sạn, điểm tham quan, dịch vụ ế ẩm hẳn.

Vận tải, kể cả vận tải hành khách lẫn hàng hóa, thì do các ngành khác bị tê liệt nên nhu cầu vận tải cũng giảm hẳn. 
Thêm vào đó, do ngại tiếp xúc nơi đông người nên cả hàng không lẫn đường bộ đều giảm khách đi lại. Các hãng hàng không năm nay khó mà có lãi, nếu không nói là coi chừng lỗ nặng cho chi phí cố định quá lớn.

Bán lẻ thì cũng là một ngành chịu thiệt hại nặng, do ngại dịch, người dân ngại vào các trung tâm mua sắm, siêu thị. Mặt khác, nhiều mặt hàng có nhu cầu cao nhưng không có hàng để bán do Trung Quốc đóng cửa để dập dịch, nhà máy của Trung Quốc chưa hoạt động.

Bất động sản thì các ngành trên mà ế ẩm thì bất động sản cũng không thể khá hơn. 

Rồi các ngành thâm dụng lao động như xây dựng, gia công ... cũng bị ảnh hưởng do không dám tập trung lao động, sợ lây dịch.

Ngay cả các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, sản xuất công nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng do Trung Quốc là chủ đầu tư, là nhà thầu xây dựng cung cấp chuyên gia và công nhân.

Giao dịch kinh tế mà giảm, doanh nghiệp bị thua lỗ phá sản, thì các ngân hàng cũng nguy kịch.

Ngay cả những dịch vụ nhỏ như đào tạo, dạy thêm ... cũng bị ảnh hưởng.

Có lẽ chỉ có ngành y tế là bận rộn và một số sản phẩm y tế bán chạy.

Hiện vẫn chưa biết dịch đến bao giờ mới kết thúc, nên tổn thất kinh tế do dịch gây ra cũng chỉ mới là tạm ước lượng. 

Theo mọi người thì Việt Nam sẽ cần bao nhiêu tỉ đô để phục hồi kinh tế sau dịch? Còn các doanh nghiệp thì cần phải làm gì để tự cứu mình trong khi chờ... trời cứu? 

Có lẽ là với những ai kinh doanh mà opex (chi phí hoạt động) là tiền vay thì nên giảm fixed cost (chi phí cố định) đến mức tối thiểu, chuyển sang variable cost (chi phí biến đổi) những gì có thế? Có thể là phải linh hoạt và năng động hơn trong cách tiếp cận chiến lược cung cấp, chiến lược sản xuất, chiến lược bán hàng, chiến lược marketing, chiến lược nhân sự, chiến lược tài chính...?

Chứ không nên "kệ, thiên tai mà, cứ từ từ coi đến đâu thì đến"!