Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương
Trước hết, cần đổi mới tư duy trong việc minh định chức năng, vai trò của Nhà nước với tư cách là 1 trong 3 chủ thể của nền kinh tế thị trường là Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Tôi cho rằng, Nhà nước không làm thay thị trường và không làm thay người dân trong quan hệ dân sự. Nhà nước không bao cấp rủi ro cho doanh nghiệp, nhưng cũng không tạo ra những rủi ro cho doanh nghiệp bằng các quyết định hành chính của mình.
Từ góc nhìn đó, Nhà nước không sử dụng các tổ chức kinh tế của Nhà nước như công cụ để khắc phục và hạn chế những khuyết tật của thị trường và cần tách biệt hoạt động kinh tế với hành chính công quyền.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các chương trình phát triển quốc gia thay cho các loại chính sách ưu đãi tràn lan tốn tiền ngân sách mà rốt cuộc không xác định được hiệu quả là gì. Nhà nước cần đổi mới tư duy về thành phần kinh tế, hoặc bỏ khái niệm thành phần kinh tế, điều mà chúng ta đã sa vào tranh luận trong nhiều thập kỷ qua.
Xét cho cùng, phát triển kinh tê tư nhân, kinh tế nhà nước và kinh tế FDI chỉ là công cụ chứ không phải là mục tiêu để đưa đất nước đến thịnh vượng. Về thực chất, cơ cấu và vai trò của từng thành phần kinh tế không phải là đặc điểm hay thuộc tính phải có của mô hình kinh tế.
Mỗi thành phần có thể có vai trò và chức năng riêng nhưng không vì thế mà coi kinh tế nhà nước quan trọng hơn các thành phần khác và phải đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, Nhà nước nên tập trung cao độ thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp trong nước, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, cả về số lượng và chất lượng, coi đây là nhiệm vụ của bộ máy nhà nước các cấp.
Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là ai nếu không phải là đồng bào ta, người dân ta, người thân ta, sao lại phân biện đối xử với khu vực kinh tế này?
Tôi cho rằng, trước mắt phải nâng cao được năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước thông qua việc hoàn thiện, củng cố nền tảng của kinh tế thị trường. Trong đó, cần đặc biệt nhấn mạnh đến quyền sở hữu tài sản và thực hiện các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên và thông tin.
Phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp trong nhân dân. Nhà nước phải tạo dựng môi trường thuận lợi, xây dựng những trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, hướng dẫn và đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, năng lực tổ chức sản xuất, năng tiếp nhận và áp dụng công nghệ mới nhằm tạo ra một làn sóng khởi nghiệp và tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ trong xã hội.
Rốt cuộc, tôi cho rằng, phải coi vị thế, sức mạnh của doanh nghiệp là vị thế, sức mạnh của quốc gia.