Fica
  1. Góc nhìn

"Sóng" niềm tin

Nguyễn Hồng Điệp
Nguyễn Hồng Điệp

Bất kỳ loại hàng hóa gì trên đời, đều theo qui luật của sóng. Sóng được tạo ra bởi sự dao động không ngừng của giá.

Nguyễn Hồng Điệp

Chuyên gia chứng khoán

Trong chứng khoán đã từng chứng kiến những cơn "sóng thần" 2006-2007, 2016-2017. Theo chiều ngược lại, chúng ta cũng không quên những cơn sóng "khủng khiếp" hồi bầu Kiên, sự kiện giàn khoan HD981, hay mới nhất là Covid-19.

Bất kỳ đợt tăng hay cú rơi nào, tạo ra biên độ chỉ số chung lớn hơn 20%, đều được coi là sóng. Ngày 24.3.2020 VN-Index đóng cửa 660, đến hôm nay 9.4.2020 chỉ số đạt 760, tăng 100 điểm, tương đương 15%. Có nhiều dấu hiệu cho thấy chỉ số chưa dừng lại ở đây. Nhiều cổ phiếu đã có sự hồi phục từ đáy được 30% và có thể tiếp tục cao hơn.

Hôm nay tôi mới nói chuyện với một anh bạn, từng có nhiều năm kinh nghiệm làm HSBC, kinh tế vĩ mô thì "thần thánh". Anh ấy nói: " Thực sự em không hiểu nổi cái thị trường này. Đất nước thì đang "cách ly xã hội", kinh tế thì vô vàn khó khăn, nước ngoài thì bán "như phá mả". Vậy mà "chứng cháo" cứ lừ lừ đi lên. Lên bằng niềm tin à? ". Ô, đúng rồi, đúng là lên bằng niềm tin thật ! 

Thị trường muốn tăng, ắt phải có cầu. Vậy "đội cầu" là ai? Theo quan sát của tôi, đa phần là dòng tiền mới, hầu hết của những người chưa "chơi" chứng khoán, hoặc bỏ từ rất lâu, quay lại khi thấy cơ hội. Tư duy của những người này khá đơn giản, khi họ nhận thấy một món hàng được định giá rẻ một cách "ngớ ngẩn", họ sẽ mang tiền ra mua. Chờ lên giá cao, sẽ bán ra.

Tôi nhận thấy dòng tiền mới này dứt khoát không phải của đám nội trợ, bán xôi, xe ôm, như hồi 2007. Vì tiền "nhỏ" thời Covid-19 quí như "King" (vua), để dành mua mì gói, giấy vệ sinh, còn không đủ, nói chi chuyện chơi chứng. Như vậy, đây là những dòng tiền thông minh của những con người kiệt xuất. Tiền đầu tư với target trung hạn, không vay mượn, không Margin.

Lý do để "đội bán" thì có đầy dẫy. Bây giờ tìm tin xấu, dễ lắm. Tuy nhiên, các cụ có câu "Trăm người bán, vạn người mua". Vậy lý do nào để "đội mua" ra tay. Theo tôi chủ yếu là NIỀM TIN.

Người ta tin sẽ sớm có giải pháp khống chế dịch, tin vào Chính phủ Việt Nam sẽ làm tốt trong cuộc chiến này. Việc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước coi chứng khoán là "dịch vụ thiết yếu", tạo niềm tin rất lớn cho nhà đầu tư.

Người ta cũng tin là doanh nghiệp niêm yết tốt, sẽ không phá sản. Dù sản xuất kinh doanh có thể giảm sút trong tương lai, nhưng giá cũng đã chiết khấu đủ hấp dẫn. Niềm tin còn đến từ các gói tài khóa, chính sách tiền tệ, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp của chính phủ. Và niềm tin lớn nhất, đơn giản nhất, là nếu mua cổ phiếu đầu tư đủ lâu, sẽ có lợi hơn nhiều so với các kênh khác.

Có người gọi đây là "sóng hồi", sóng "dead cat bounce", nhưng đối với tôi, đây là sóng "niềm tin". Không ai có thể trả lời chính xác khi nào sóng này kết thúc, kết thúc ở điểm số nào. Nhưng một khi niềm tin của nhà đầu tư (fresh money) vẫn còn đủ lớn, sóng này vẫn còn tiếp diễn.