Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hãng luật Basico, đoàn Luật sư Hà Nội
Ở trường hợp người cầm 100 USD thì số tiền cũng chỉ khoảng 2,3 triệu đồng, nếu bán 100 USD phạt 90 triệu đồng thì chẳng khác nào đổi 50.000 đồng ra 2 USD cũng giống như đổi 1 triệu USD ra tiền Việt ở nơi không được phép đều có tội như nhau, đều bị áp mức phạt 90 triệu đồng. Đây là việc xử phạt mang tính cào bằng, không hợp lý, không đúng đối tượng vi phạm.
Tôi cho rằng, nếu trường hợp vi phạm có hệ thống, cố tình vi phạm hoặc một cửa hàng không có giấy phép thu mua USD mà chứa hàng triệu USD (cơ quan chức năng nghi ngờ vi phạm đổi ngoại tệ trái phép, xử phạt 90 triệu đồng thậm chí hàng trăm triệu đồng) có lẽ sẽ không quá đáng.
Nhưng về lý, cả hệ thống ngân hàng đang hiểu sai về việc bán USD. Luật quy định, nghĩa vụ của ngân hàng là phải bán tối thiểu 100 USD cho người mua khi nhu cầu hợp lệ.
Còn nếu ngân hàng có nhiều hơn, người mua chứng minh được việc mua là đúng yêu cầu, quy định thì họ cần 1 triệu USD, ngân hàng cũng phải bán.
Hiện nay, người dân có quyền bán cho các đại lý thoải mái, cả nước có đến hơn 500 đại lý nhận mua USD được cấp phép, Hà Nội có đến 100 đại lý. Tuy nhiên, người dân phải hiểu, quy định là tất cả các đại lý này chỉ được phép mua vào, chứ không có bất kì đại lý nào được phép bán ra. Thế nhưng, dân vẫn ngầm hiểu: "Tôi bán được cho nó, cũng mua được của nó và cung có cầu".
Việc có quy định người dân phải kê khai các giấy tờ pháp lý, vé máy bay khi mua ngoại tệ ở ngân hàng là không thể xé rào, chỉ có điều là do ngân hàng có muốn bán hay không.
Nếu tỷ giá mua vào và bán ra ngang nhau, nhiều khi do chủ quan của ngân hàng, nếu họ có nhiều họ bán ra đúng yếu cầu, còn nếu có ít bán ít.
Tôi nghĩ rằng, thời buổi này, các ngân hàng cũng nên giải quyết nhanh (trong ngày, thậm chí tức thời khi đủ hồ sơ, giấy tờ) về cấp thẻ ghi nợ, thanh toán với các ngân hàng quốc tế như Visa Card, Marter Card để người có nhu cầu đỡ phải mua ngoại tệ khi đi du lịch.