Fica
  1. Góc nhìn

Quyết định của doanh nghiệp

Ngô Văn Tuyển
Ngô Văn Tuyển

Điều hành hoạt động của doanh nghiệp là do chủ doanh nghiệp (nếu là doanh nghiệp tư nhân) hoặc ban quản trị doanh nghiệp (nếu đa sở hữu). Tuy nhiên, hoạt động của doanh nghiệp có vốn NN thì không phải hoàn toàn như vậy.

Ông Ngô Văn TuyểnTổng Giám đốc Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEA)

Nhiều quyết định phải thông qua nhiều tầng nấc quyết định hoặc chấp thuận. Việc đó cũng là bình thường, nhưng vấn đề là phải xác định rõ cơ chế trách nhiệm như thế nào để không ảnh hưởng hoạt động của doanh nghiệp.

Có thể so sánh việc ra quyết định với việc kết hôn. Việc kết hôn phải do người trong cuộc lựa chọn. Bố mẹ hoặc thậm chí dòng họ có thể chấp thuận hoặc không. Khi không được chấp thuận thì người trong cuộc phải tìm đối tác khác phù hợp cho đến khi được chấp thuận thì thôi. Bố mẹ hoặc dòng họ không thể áp đặt từ trên xuống là phải kết hôn với ai. Nếu cặp kết hôn không hạnh phúc thì cũng không phải trách nhiệm của người trên, mặc dù những quyết định không thông qua trước đó có thể làm mất cơ hội đáng lẽ có thể có cặp đôi hạnh phúc.

Hoạt động của doanh nghiệp cũng vậy. Các quyết định của doanh nghiệp không thể do cấp trên áp đặt. Trường hợp cơ chế cho phép cấp trên có quyền áp đặt và chịu trách nhiệm toàn bộ chăng nữa thì phải sửa cơ chế, vì nó không phù hợp với cơ chế vận hành của doanh nghiệp, dù vốn NN chiếm đến 99% cổ phần trong doanh nghiệp. Việc định hướng từ trên là có thể, nhưng các quyết định của doanh nghiệp rốt cuộc cũng phải từ doanh nghiệp. Cấp thông qua thì chỉ có quyền thông qua hoặc không thông qua, giống như quyền thông qua tại đại hội cổ đông.

Nhiều dự án đầu tư ở doanh nghiệp có vốn NN đi mắc núi, trở lại mắc sông. Dự án càng lớn thì thời gian đầu tư càng dài. Trong bối cảnh kinh tế không ổn định, thì không tránh khỏi phải có những quyết định điều chỉnh. Giả sử dự án phải tăng tổng mức đầu tư do giá cả tăng, cấp thông qua không chấp nhận vì sợ trách nhiệm, thì dự án không có cách gì hoàn thành. Người thông qua có trách nhiệm đôi khi lại gánh chịu hậu quả. Rủi thì người ta lượng hoá ngay thiệt hại là phần phát sinh do quyết định điều chỉnh.

Cái cơ chế mà không để doanh nghiệp quyết định thì các đại dự án của doanh nghiệp có vốn nhà nước đang đắp chiếu không có cách gì tháo gỡ. Hình sự hoá, khởi tố vụ án thì chỉ có thể trừng phạt người có trách nhiệm liên quan, chứ không cứu được doanh nghiệp. Giải quyết vấn đề của doanh nghiệp thì phải giao cho ban quản trị. Việc thông qua của các cấp có thẩm quyền là đảm bảo cho các quyết định được xem xét thận trọng, chứ không phải là bức tường mà doanh nghiệp không thể vượt qua. Trong bối cảnh củi lửa thì những bức tường dường như lại càng cao để tránh bị cháy lây.

Cấp vĩ mô lại can thiệp những quyết định điều hành vi mô là trái khoáy. Quyết định doanh nghiệp phải làm gì, đầu tư gì nếu thành công cũng chẳng nên nhận là công. Nếu rủi dự án đầu tư không hiệu quả thì trách nhiệm chính là ở cơ chế không hạn chế được rủi ro. Sợ nhất là doanh nghiệp không tập trung nguồn lực lo vấn đề mấu chốt của dự án là tính toán cân nhắc hiệu quả mà dành nhiều công sức về thủ tục và lo thông qua dự án. Người có trách nhiệm thông qua dự án phải dựa vào bộ máy tham mưu giúp việc. Nếu bộ máy thiếu chuyên nghiệp và chỉ chạy khi được bôi trơn thì lại càng may rủi.