Fica

Quy mô GDP Việt Nam có thể vượt Thái Lan, Philippines

Nguyễn Đức Thành
Nguyễn Đức Thành

Xét về quy mô GDP, Việt Nam hiện là nền kinh tế hơn 350 tỷ USD, vượt qua Singapore, xếp sau Thái Lan, Philippines và Indonesia.

Nguyễn Đức Thành

Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng VEPR

Xét về quy mô GDP, Việt Nam hiện là nền kinh tế hơn 350 tỷ USD, vượt qua Singapore, xếp sau Thái Lan, Philippines và Indonesia. Tuy nhiên, đó là GDP danh nghĩa, còn GDP/người của Việt Nam vẫn thuộc hàng thấp nhất trong khu vực ASEAN.

Nhưng điều này không có gì đáng mừng cả bởi dân số Việt Nam hiện nay gần 100 triệu người, trong khi số dân Singapore đang chỉ gần 6 triệu người (năm 2019 là 5,8 triệu người). Chính vì thế, chia GDP/người, rõ ràng Việt Nam vẫn kém xa so với Singapore.

Nếu lấy kinh tế một đất nước như một hộ gia đình, thì hộ gia đình gồm 7-8 người thanh niên, sản xuất được bằng hoặc số tiền của 1-2 người của hộ gia đình bên cạnh, điều đó nói lên giá trị lao động và gia tăng của hộ gia đình 7-8 người vẫn kém so với giá trị gia tăng của hộ gia đình ít người hơn.

GDP danh nghĩa dẫu sao cũng nói lên sức phát triển của nền kinh tế và uy thế của Việt Nam trong đóng góp vào tăng trưởng của khu vực. Song, đừng lấy đó làm hài lòng mà hãy coi đó là động lực để chúng ta vượt qua, nâng cao giá trị của đất nước, con người.

GDP danh nghĩa không có quá nhiều ý nghĩa, trong khi đó thước đo của một nền kinh tế phải dựa trên GDP/người và các chỉ số GNI.

Các tiêu chí về thu nhập bình quân/người, Việt Nam vẫn đang đứng "top" cuối chỉ xếp trên Myanmar, Lào, Campuchia. Tuy nhiên, 3 nước nói trên đang thực hiện nhiều cuộc cách mạng về thể chế kinh tế, dân chủ hóa kinh tế nên gần đây có những tiến bộ vượt bậc.

Như vậy, quy mô GDP của Việt Nam có thể vượt qua hai nước Thái Lan, Philippines, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực. Nhưng, để vượt qua Indonesia, nước có quy mô GDP hàng nghìn tỷ USD không phải dễ dàng.

Hiện nay, thành quả của tăng trưởng quy mô GDP của Việt Nam bước đầu thành công, song Việt Nam cần trú trọng về chất lượng tăng trưởng, tập trung vào gia tăng giá trị sức lao động, nguồn lực cho con người, giảm lệ thuộc vào thâm dụng vốn, điều kiện tự nhiên.