Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI
Chính phủ hiện đang sửa đổi nhiều quy định trong lĩnh vực giao thông vận tải. Chuyến đi khảo sát và nói chuyện với doanh nghiệp bến xe Nước ngầm, một bến "xã hội hoá" cách đây 10 năm. Tôi rất ấn tượng với sự đầu tư bài bản và tâm huyến của một doanh nghiệp tư nhân, một điểm sáng trong cả nước như lời ông Chủ tịch Hội Vận tải.
Bến xe không quá lớn nhưng làm rất bài bản, quy củ, rất tiện lợi cho nhà xe và hành khách. Nhà chờ, nơi bán vé khang trang, có lan can để tránh mưa nắng cho khách đến và đi, nhà vệ sinh sạch sẽ không thu tiền, vòi nước sạch uống miễn phí, thiết kế không gian đi ra vào rất tiện dụng và khoa học, tuyệt nhiên không có bán rong hay xã hội đen. Còn có cả một quầy đồ và hành lý bỏ quên (lost and found), quá ấn tượng!
Nói chuyện với ông chủ bến xe, ông bảo, doanh nghiệp tư nhân cảm giác như là con rơi, thiệt thòi và chịu nhiều phân biệt đối xử so với con đẻ là nhiều doanh nghiệp Nhà nước làm bến xe khác.
Ông muốn ứng dụng vé xe điện tử để nhanh hơn, nhà xe, bến xe và nhà nước quản lý tốt hơn nhưng bị vướng quy định hiện nay khách đi xe phải có vé in.
Ông bảo chả đâu như mình, bến xe đáng ra là trung tâm của đô thị để người dân tiện đi lại, đây Hà Nội cứ đuổi ra ngoại vi cho khuất mắt. Do vậy người dân chịu chi phí taxi, xe ôm xuống bến xe còn cao hơn cả tiền vé xe khách.
Đầu tư sợ nhất là rủi ro và bất ổn, đất của mình lâu nay, đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng đầu tư nhưng lúc nào cũng nơm nớp sợ bị đuổi ra ngoài, sợ thành phố thu hồi để xây cao ốc. Với quy hoạch bến xe có thời hạn dự kiến chỉ 5-10 năm, doanh nghiệp muốn làm ăn bài bản và dài hạn cũng chịu!