Fica
  1. Góc nhìn

Quản trị doanh nghiệp nhà nước và sự can thiệp hành chính

Nguyễn Minh Đức
Nguyễn Minh Đức

Lo ngại các DNNN trả lương quá cao cho người lao động, Bộ Lao động đã đặt ra quy định kiểm soát việc này.

Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI

Trong đó có một nội dung là cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chỉ được tăng lương nếu tăng được năng suất lao động. Năng suất lao động thì được tính bằng tổng sản lượng chia cho tổng số lao động.

Ví dụ, DNNN A có 1 nghìn người lao động, năm 2017 sản xuất được 1 triệu sản phẩm, thì năng suất lao động là 1000 sản phẩm/người. Năm 2018, nếu DNNN cũng chỉ sản xuất được 1 triệu sản phẩm hoặc ít hơn thì không được tăng lương, nhưng nếu sản xuất được 1,1 triệu sản phẩm thì được tăng lương với mức tăng không quá 10%.

Một số DNNN đã nghĩ ra cách để lách quy định này. Họ thành lập các công ty con và chuyển người về làm ở các công ty đó. Nội dung công việc hoàn toàn như cũ, chỉ là thay đổi chút xíu về hình thức quản lý.

Quay lại ví dụ trên, năm 2017, A có 1000 lao động sản xuất 1 triệu sản phẩm. A thành lập công ty con là B và chuyển 100 người lao động sang công ty B, rồi ký hợp đồng thuê B làm một số công việc. Thực chất thì 900 người ở lại công ty A và 100 người ở công ty B vẫn làm việc như năm 2017. Năm 2018, sản lượng của công ty A vẫn là 1 triệu sản phẩm, nhưng do họ chỉ còn 900 người nên năng suất lao động của họ lúc này là 1111 sản phẩm/người, tăng 11% so với năm 2017. Như vậy, người lao động được tăng lương.

Ví dụ này để thấy, những thứ được gọi là quy trình, mệnh lệnh hành chính thì thế nào cũng có kẽ hở để lách. Vấn đề quan trọng hơn là người ta có động lực tự thân để làm tốt hay không. Mà để lãnh đạo DNNN có động lực làm tốt thì cơ chế bổ nhiệm và chế độ đãi ngộ phải gắn chặt với hiệu quả kinh doanh, chứ không phải gắn với những động lực chính trị như hiện nay.