Fica

Quản lý vốn nhà nước

Ngô Văn Tuyển
Ngô Văn Tuyển

Ông chủ mà lại phải xin ý kiến ông chủ khác mới được quyết những vấn đề thuộc về doanh nghiệp thì không phải là ông chủ.

Ngô Văn Tuyển

Quyền Tổng giám đốc VEAM

Trước đây, hồi còn cơ chế quản lý tập trung, chỉ có nhà máy, không có doanh nghiệp. Nhà nước như một siêu doanh nghiệp, quản lý và can thiệp vào mọi hoạt động của các nhà máy. Nhà máy đầu tư gì, sản xuất gì, phân phối cho ai, cung ứng vật tư, sử dụng lao động, tiền lương thế nào đều do nhà nước quyết định. 

Sau này với nền kinh tế nhiều thành phần, thì cơ chế quản lý hoạt động kinh doanh sử dụng vốn nhà nước có thay đổi. Tuy nhiên, bản chất của việc thay đổi chỉ là thêm cấp quản lý trung gian. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (100% vốn nhà nước) chính là cấp trung gian ấy. Cấp trung gian giữ vai trò điều hành trực tiếp và chịu sự quản lý của cấp trên là các cơ quan nhà nước. 

Khi cổ phần hoá thì nhà nước ban hành Luật quản lý vốn (Luật 69/2014). Nghị định 91/2015 là quy định cụ thể thi hành quản lý vốn. Nghị định 97/2015 quản lý người điều hành doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Nghị định 106/2015 quản lý người đại diện vốn nhà nước giữ các vị trí chủ chốt tại doanh nghiệp không phải 100% vốn nhà nước. Quản lý lao động, tiền lương thì công ty 100% vốn có Nghị định 51/2016 và Nghị định 52/2016, công ty cổ phần có Nghị định 53/2016 điều chỉnh. 

Luật có vẻ đầy đủ và chặt chẽ. Thế nhưng vận hành mới là vấn đề. Nếu tư nhân bỏ vốn họ có thể thuê người điều hành, chủ sở hữu có toàn quyền về vốn của họ. Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì coi như thuê hội đồng thành viên quản lý, nhưng chủ sở hữu lại chẳng phải toàn quyền nên không thể quyết trong nhiều trường hợp cần phải quyết. Chậm trễ, ách tắc là ở chỗ đó. Ngay cả muốn chia cổ tức nộp về NSNN thì cũng phải có thêm ý kiến của Bộ Tài chính. 

Đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 100% nhiều khi lại còn phức tạp hơn. Quy chế quản lý người đại diện quy định vô số vấn đề mà người đại diện vốn nhà nước là thành viên hội đồng quản trị hoặc ban điều hành phải xin ý kiến trước khi quyết định. Thực chất nhiều nội dung xin ý kiến lại là phạm trù điều hành chuyên nghiệp. Cơ quan đại diện chủ sở hữu không chuyên nghiệp mà lại cho ý kiến chỉ đạo. 

Cơ chế cứ luẩn quẩn vậy. Tư nhân thì nghĩ doanh nghiệp nhà nước được ưu ái, doanh nghiệp có vốn nhà nước thì thèm sự chủ động của tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn nhà nước lại ngước nhìn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi họ vừa chuyên nghiệp vừa không sợ tầng tầng quản lý, giám sát. 

Việc ra đời Tổng công ty quản lý vốn nhà nước (SCIC) hay ở cấp độ triệt để hơn nữa là thành lập Uỷ ban quản lý vốn nhà nước chính là nhằm tháo gỡ nút thắt bị buộc chặt từ trước đến nay. Cơ quan đại diện chủ sở hữu chuyển từ bộ sang uỷ ban mà luật lệ vẫn y nguyên thì cũng chỉ mới giải quyết được một nửa vấn đề. Uỷ ban phải được hoạt động như một ông chủ bỏ vốn đúng nghĩa. Ông chủ mà lại phải xin ý kiến ông chủ khác mới được quyết những vấn đề thuộc về doanh nghiệp thì không phải là ông chủ. 

Nhà nước không thể cùng lúc muốn nhiều mục tiêu. Nếu nhằm mục tiêu lợi nhuận thì cứ doanh nghiệp nào làm ra tiền thì giữ vốn còn không là bán. Nếu muốn nắm giữ một lĩnh vực nào cần nắm vì mục tiêu khác thì phải hy sinh mục tiêu lợi nhuận. Luật phải sửa đổi để doanh nghiệp hoạt động chuyên nghiệp. Tham nhũng thì xử theo luật chứ không phải đặt ra barie để giám sát từng bước. Chỉ vì giám sát mà đặt ra quy định thì chưa chắc đã ngăn được kẻ gian mà lại làm khổ người ngay.

Tin liên quan
Cần khẩn trương tiếp sức cho doanh nghiệp

Cần khẩn trương tiếp sức cho doanh nghiệp

Ngay cả với mức GDP cả năm 2023 đạt 5% thì 6 tháng cuối năm GDP phải tăng 6,16% - một mức rất khó đạt được nếu không thực thi kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kinh tế.
Những bài học nhượng quyền

Những bài học nhượng quyền

Hai nguyên tắc cơ bản nhất của nhượng quyền là: Hãy chỉ nhượng quyền khi và chỉ khi mô hình đã được chứng minh là thành công ở quy mô chuỗi (ít nhất 3 điểm bán) và trong một...