Fica
  1. Góc nhìn

Phúc sao thành hoạ?

Vũ Kim Hạnh
Vũ Kim Hạnh

Tôi có mang một chai nước mắm Phú Quốc có chỉ dẫn địa lý “hẳn hoi” đi tặng một người bạn tại Hà Lan. Cô này sau đó gọi điện nói: “Chị cho chai nước mắm Việt Nam tôi thích quá, dùng hết, tôi ra siêu thị tìm mua, cũng mua nước mắm Phú Quốc, mà sao nhạt “phèo”, chẳng đúng mùi vị của cái chai hôm trước”. Khi xem lại đáy chai, đích thị dán nhãn Nước mắm Phú Quốc nhưng lại là Phú Quốc của Thái Lan.

Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao

Ở Việt Nam, nhiều người cũng bị nhầm. Họ nhầm tưởng và mua ngay vì nghe quảng cáo trên tivi, trên xe bus, tại các giao lộ lớn ở Sài Gòn, thậm chí ngay cửa ngõ vào...Phú Quốc là nước mắm được “Ủ chượp, đóng chai tại Phú Quốc”. 

Chiêu quảng cáo “lấy tiền đè người” này quá khôn khéo, tốn bao nhiêu tiền mua chất xám của các nhà tư vấn biết luật (cố ý gây hiểu nhầm, man trá đúng luật!). Chiêu này vẫn luôn hấp dẫn! 

Gần đây, từ nạn ế thừa chỏng gọng Tỏi Lý Sơn, truy ra thấy nhiều loại tỏi Trung Quốc, tỏi từ tỉnh khác mang đến. Họ phủ vài nhúm đất Lý Sơn rồi giả làm "Tỏi Lý Sơn", bán ào ào (dĩ nhiên giá rẻ hơn tỏi Lý Sơn thật) cho du khách thăm Lý Sơn. 

Thiệt hại nặng kéo dài, cho đến khi Ủy ban Huyện Lý Sơn phát hiện một kẻ “có tóc” dám giả danh tỏi cô đơn và tỏi Lý Sơn để rao mời đầu tư trên VTV. Đọc công văn phản ứng của chính quyền Lý Sơn mới thấy sự bức xúc. Bởi “Ngày 31/10, UBND huyện Lý Sơn đã có văn bản gửi VTV và công ty TNHH SXTM I AM V yêu cầu đính chính thông tin không đúng sự thật về tỏi Lý Sơn trong chương trình "Thương vụ bạc tỷ". Công ty này đã giới thiệu với nhà đầu tư 5 dòng sản phẩm có đề cập đến tỏi cô đơn Lý Sơn với giá bán 120.000 đồng/lọ và mỗi tháng doanh nghiệp này bán được 300 kg. Công ty TNHH SXTM I AM V còn dựng banner quảng cáo “Nguồn gốc tỏi Lý Sơn 100% lên men tự nhiên” và cho biết đã có một vùng trồng nguyên liệu ngay tại đảo Lý Sơn”.

Những câu chuyện “có của không chăm hay không xài thì bị cướp” sẽ còn diễn ra tiếp. Tỉ như câu chuyện cam Vinh (Nghệ An) tại ngày thi chung kết cuộc thi khởi nghiệp trong nông nghiệp do BSA tổ chức. Lần đầu tiên tôi nghe một tính từ đau lòng rằng, cam Vinh từng bị “ngơ” vì bị sượng, bị chai hay bị hỏng do nhiễm quá nhiều thuốc trừ sâu và diệt cỏ. 

Lạm dụng hóa chất khiến trái cam không an toàn là một cái nạn, không bảo vệ được ưu thế Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) do Cục Sở hữu trí tuệ trao cho cam Vinh, trong phạm vi địa lý 5 huyện 12 xã, trong đó có “Cam Xã Đoài” nức tiếng cả nước, thì phúc bỗng thành họa. 

Lúc đầu khi nhận chứng nhận CDĐL, nông dân địa phương có thành lập Hiệp hội cam Vinh để cùng nhau bảo vệ thương hiệu, nhưng sau đó, xem chừng không ai lo (mãi năm ngoái mới Đại hội lại), nên suốt những năm qua, thị trường lập tức xuất hiện đầy rẫy cam Vinh giả nhạt “hoét”, chua lòm làm cho cam Vinh mất tiếng. 

Không dẹp được nạn chiếm đoạt tên, giờ cam Vinh đang phải lao đao trong khi cam Cao Phong (CDĐL cấp cho tỉnh Hòa Bình) vượt lên, cạnh tranh thắng lợi vì tiếp thị cho Chỉ dẫn địa lý tốt.

Quay lại câu chuyện nước mắm, nói trớ trêu vì người Thái vừa tự bảo vệ “lụa Thái” của mình, vừa ung dung “cầm nhầm” tên Phú Quốc của nước mắm Việt Nam mà bán đắt hàng khắp các nước và kiếm lời khủng.

Thị trường là vậy. Cái gì là tài sản, là quyền lợi thì người ta phải sống chết giữ. Không chăm, không giữ thì...dâng cho người biết xài.