Fica
  1. Góc nhìn

Phơi nhiễm vì Covid-19

Vũ Thành Tự Anh
Vũ Thành Tự Anh

Tính tổng cộng, trên 50% trong cơ cấu GDP của Việt Nam hiện nay bị phơi nhiễm nặng trước đại dịch và khủng hoảng kinh tế.

TS. Vũ Thành Tự Anh

Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam)

Việt Nam hiện thuộc nhóm có độ mở thương mại lớn nhất thế giới. Do đó tác động kinh tế thế giới sẽ lan tỏa đến Việt Nam. 

Tất cả các thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam đều chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh và đều đã, đang đóng cửa từng phần. Hệ quả là xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu tác động nghiêm trọng. 

Về thu hút đầu tư nước ngoài, hiện Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đầu tư FDI trên đầu người cao nhất thế giới. Do khủng hoảng toàn cầu, chắc chắn dòng vốn FDI sẽ chậm lại, nhiều dự án FDI hiện hữu sẽ giảm công suất, thậm chí dừng hoạt động. Đóng góp về việc làm, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, nộp thuế, GDP của khu vực FDI sẽ suy giảm mạnh.

Về công nghiệp hỗ trợ, ngành này bộc lộ rõ tình trạng kém phát triển, vì vậy để xuất khẩu phải nhập khẩu rất nhiều. Khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đình trệ và gián đoạn, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam (cả nội địa và nước ngoài) sẽ không đủ nguyên vật liệu để sản xuất, dẫn đến nguy cơ giảm mạnh công xuất và sa thải lao động.

Du lịch và các dịch vụ liên đới (khách sạn, nhà hàng, vận tải v.v.) là lĩnh vực chịu tác động trực tiếp nặng nề nhất của đại dịch, đặc biệt khi đỉnh điểm thời vụ du lịch quốc tế rơi đúng vào mùa dịch, và có nguy cơ là đến đỉnh điểm thời vụ du lịch trong nước, đại dịch vẫn chưa được kiềm chế hoàn toàn.

Nhưng đây cũng là ngành đang có tốc độ tăng trưởng rất nhanh và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong nền kinh tế (khoảng 10% GDP). Chính vì vậy, việc hỗ trợ doanh nghiệp và có chính sách phát triển ngành du lịch trong thời gian tới cần hiệu quả để vực dậy khu vực này.

Tính tổng cộng, trên 50% trong cơ cấu GDP của Việt Nam hiện nay bị phơi nhiễm nặng trước đại dịch và khủng hoảng kinh tế. 

Covid-19 là cuộc khủng hoảng kinh tế thực chứ không phải khủng hoảng tài chính. Chính vì vậy, việc giảm lãi suất không có nhiều tác dụng trong việc kích thích kinh tế, nên không thể coi giảm lãi suất là công cụ chính sách chủ yếu được.

Việt Nam chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nếu không có sự can thiệp hiệu quả, hiệu lực và kịp thời của Chính phủ, một số ngành kinh tế và nhiều doanh nghiệp có thể đổ vỡ, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng về tăng trưởng và việc làm, thậm chí có thể dẫn đến khủng hoảng kinh tế và tài chính.