Fica
  1. Góc nhìn

Phát triển mạnh, phải "đánh đổi" bao nhiêu là vừa?

Trần Đình Thiên
Trần Đình Thiên

Muốn phát triển mạnh thì phải đánh đổi mạnh. Tuy nhiên, đánh đổi bao nhiêu thì hợp lý là bài toàn khó. Do đó, muốn phê phán gì thì phải đặt trên bàn cân lợi ích.

TS. Trần Đình Thiên

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Vài năm gần đây, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam tăng vọt, đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ngành du lịch còn một số hạn chế, yếu kém nên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng.

Do cơ chế chính sách còn bó buộc khiến các điểm đến tiềm năng như Phú Quốc, Phan Thiết... chưa thể phát huy hết nội lực. Những sản phẩm du lịch làm thay đổi bộ mặt địa phương, được thế giới vinh danh như Cầu Vàng, Bà Nà... vấp phải sự chỉ trích về môi trường. Việc phát triển, đánh đổi mà dư luận đặt ra vô hình chung đẩy nhà đầu tư vào rủi ro.

Theo tôi, nói gì thì nói, muốn phê phán một vấn đề nào đó về kinh tế, du lịch, cần phải đặt lên bàn cân lợi ích.

Nhìn từ các quốc gia trong khu vực, Thái Lan, Trung Quốc có hướng phát triển khác biệt, đặc sắc nên hút được du khách. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều cái hay nhưng chưa biết làm hay hơn nước bạn.

Điều quan trọng, làm du lịch phải chú ý đến "đẳng cấp" chứ không chạy theo "sản lượng". Du khách đến Hạ Long, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc... là vì nơi đó đẳng cấp cao. Do đó, cần phải làm sao khai thác du lịch xứng đáng với tài nguyên du lịch của địa phương đó, chứ không thể phung phí.

Cộng đồng doanh nghiệp chính là người dẫn dắt thị trường du lịch. Những tập đoàn, những doanh nghiệp lớn, có thực lực và đẳng cấp là những người định hình chân dung du lịch ở các địa phương và xuyên suốt cho cả ngành. Phải cổ động, ủng hộ những doanh nghiệp làm ăn thực lực, có được trình độ để định hình được chân dung du lịch.

Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng, phát triển hạ tầng du lịch đã xâm hại môi trường khiến dư luận bức xúc. Vì vậy, cần xác định tiêu chuẩn để phán xét.

Vậy, phải làm rõ thế nào là du lịch mũi nhọn? Nếu không được luận chứng rõ ràng thì các địa phương vẫn lúng túng, không biết mũi nhọn thì ưu tiên chỗ nào? Chưa có tiêu chuẩn, chưa có tiêu chí thì doanh nghiệp đi tiên phong có thể gặp rủi ro. Với câu chuyện như Tam Đảo vừa rồi và trước đó là Tam Chúc, Bà Nà, Sơn Trà... sẽ tạo ra tâm lý tiêu cực với du lịch.

Lấy ví dụ đường sắt xuyên Việt, nếu không phá đủ cây rừng thì làm sao có đường sắt? Phát triển thì phải đánh đổi. Muốn phát triển mạnh thì phải đánh đổi mạnh. Tuy nhiên, đánh đổi bao nhiêu là hợp lý là bài toàn khó. Muốn trả lời câu hỏi này phải xác định, ưu tiên về lợi ích tổng thể và dài hạn.

Đánh đổi thế nào là hợp lý thì cần luật, cần tiêu chuẩn chứ hiện nay chưa rõ ràng, không định hình và không giúp cho người ta định hướng được khiến nhiều doanh nghiệp không dám làm và ngay cả chính quyền cũng không dám làm.