Fica

Phá tan những rào cản thị trường

Nguyễn Đình Cung
Nguyễn Đình Cung

Hiện nay có một số nút thắt cơ bản đang kìm hãm chúng ta chuyển đổi sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Tôi muốn tập trung vào việc thực hiện cải cách thực chất, tạo đột phá, tháo bỏ một số nút thắt đang kìm hãm chuyển đổi sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập, như Nghị quyết số 11-NQ/TW Trung ương V đã đặt ra đến năm 2020.

Hiện nay có một số nút thắt cơ bản đang kìm hãm chúng ta chuyển đổi sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại

Nút thắt thứ nhất, thể chế phân bố nguồn lực, trước hết về nguồn lực của nhà nước và nguồn lực do nhà nước kiểm soát như đất đai, tài nguyên các loại, tài sản của DNNN.

Sau hơn ba thập kỷ Đổi mới, đến nay việc phân bố nguồn lực vẫn không được cải thiện, vẫn bằng hành chính xin - cho, phân bố nguồn lực dựa trên quan hệ thân hữu hơn vì hiệu quả kinh tế cao nhất, vì mục tiêu phát triển chung.

Cơ chế này phải được thay thế bằng cơ chế nguồn lực được phân bổ bởi thị trường, hoặc đấu thầu cạnh tranh công khai, minh bạch, công bằng, hoặc theo dự án có hiệu quả cao nhất đã được lựa chọn một cách chuyên nghiệp, có thẩm định và kiểm chứng độc lập...

Cách phân bố nguồn lực phi thị trường hiện nay đã và đang tạo ra hệ thống khuyến khích, hệ thống động lực sai lệch, méo mó. Có hàng loạt ví dụ doanh nghiệp sân trước, sân sau, những cơ hội kinh doanh có được nhờ quan hệ xin - cho thay vì đổi mới, sáng tạo, có kiến thức, có hiểu biết, trải nghiệm và kinh nghiệm thương trường, cạnh tranh thị trường.

Cơ chế phân bổ sai lệch là nguyên nhân của tham nhũng có giá trị lớn; triệt tiêu hoặc thui chột, làm nản lòng tinh thần đổi mới, sáng tạo, dấn thân vì mục tiêu phát triển chung.

Đó cũng là nguyên nhân làm cho động năng của nền kinh tế liên tục suy giảm, nguồn lực xã hội sử dụng kém hiệu quả và cứ dần hao mòn; tăng trưởng kinh tế dưới tiềm năng, suy giảm dần, kéo theo đó là tụt hậu so với khu vực và thế giới.

Nêu vấn đề như trên, tôi cho rằng cần ưu tiên cải cách toàn diện và triệt để là thể chế về quản trị DNNN, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, quản lý đầu tư côn,; quản lý và sử dụng tài sản công trong toàn bộ hệ thống chính trị; đất đai, tài nguyên...

Bên cạnh đó, chúng ta phải hoàn thiện hệ thống thể chế có liên quan để phát triển thị trường các nhân tố sản xuất để các loại thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ các nguồn lực xã hội.

Cách thức thực hiện cải cách là không tiếp tục giao cho các bộ, ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường....chủ trì soạn thảo các đạo luật, văn bản pháp luật khác có liên quan như lâu nay.

Nút thắt thể chế thứ hai  liên quan đến cách thức và công cụ quản lý nhà nước về kinh tế. Nhà nước hiện nay đang là nhà nước kiểm soát và sở hữu, chưa phải là nhà nước điều tiết và kiến tạo phát triển.

Công cụ quản lý số một là hệ thống các giấy phép, phê duyệt, chấp thuận, các loại tương tự và cả những biến tướng, hay “phát sinh” của chúng được thực hiện thông qua vô số các thủ tục hành chính, quan liêu giấy tờ với hồ sơ, trình tự, thủ tục...hết sức phức tạp, phiền hà và tốn kém.

Công cụ quản lý số hai là thanh tra, kiểm tra, gồm thanh tra, kiểm tra chung, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; thanh tra, kiểm tra của các cơ quan trung ương; thanh tra, kiểm tra của các cơ quan thuộc chính quyền địa phương các cấp.

Cách thức và công cụ quản lý nhà nước hiện nay như trình bày trên đây tạo cho công chức quá nhiều quyền lực và cơ hội can thiệp tùy ý vào hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp để tư lợi. Đó là nguyên nhân gốc rễ làm cho luật pháp, chính sách của nhà nước bị thực hiện một cách sai lệch, biến tướng, không tiên liệu trước được. Đồng thời, là ngọn nguồn của tình trạng tham nhũng vặt; gây phiền hà, bức xúc đối với dân; gây mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, nhà nước; làm cho chất lượng, năng lực bộ máy quản lý nhà nước ngày càng giảm và suy yếu.

Những giải pháp tháo gỡ

Cách thức quản lý như trên thiên về tiền kiểm và kiểm soát chứ không phải hậu kiểm mà nhà nước cần tập trung vào để thị trường phát triển.

Quản lý theo hậu kiểm nghĩa là nhà nước chỉ can thiệp trực tiếp khắc phục các khuyết tật của thị trường; quản lý dựa trên thu thập, phân tích thông tin, đánh giá mức độ rủi ro của đối tượng quản lý và mức đô tuân thủ pháp luật của người dân và doanh nghiệp.

Các nỗ lực kiểm soát và can thiệp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ yếu tập trung vào nhóm có nguy cơ rủi ro cao/mức độ tuân thủ thấp.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng xây dựng và thực hiện chính quyền, chính phủ điện tử một cách triệt để, tiến tới chính phủ số. Nhanh chóng xây dựng và vận hành dịch vụ công trực tuyến quốc gia, kết nối tất cả các dịch vụ hành chính công trực tuyến từ địa phương đến trung ương, tiến tới định danh cụ thể từng dịch vụ hành chính công, áp dụng thống nhất trên cả nước.

Yêu cầu tất cả chính quyền địa phương các cấp, các bộ ngành, cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước ở trung ương phải cung cấp các dịch vụ hành chính công thuộc thẩm quyền bằng điện tử ở cấp độ 4 trước năm 2021.

Đồng thời với những giải pháp nói trên là cải cách, sắp xếp lại bộ máy tổ chức nhà nước, chuẩn hóa tiêu chuẩn chất lượng cán bộ, công chức, đổi mới cách thức và công cụ quản lý nhà nước triệt để chuyển sang hậu kiểm. 

Những kiến nghị, đề xuất trên sẽ giúp chúng ta đột phá về thể chế, trong tư duy và cách làm của toàn bộ hệ thống. Tôi hi vọng những kiến nghị, đề xuất đó được tiếp thu, thực hiện để làm Việt Nam trở nên thịnh vượng.