Fica

Phá giá Nhân dân tệ khiến hàng Trung Quốc tràn mạnh vào Việt Nam

Nguyễn Trí Hiếu
Nguyễn Trí Hiếu

Với việc Nhân dân tệ mất giá so với USD và VND thì hàng hoá Trung Quốc sẽ tràn vào Việt Nam nhiều hơn nhờ lợi thế giá rẻ trong khi hàng Việt xuất sang Trung Quốc sẽ gặp khó. Việt Nam có thể sẽ điều chỉnh VND, nhưng mức mất giá chỉ vào khoảng 3% trong cả năm 2019 này.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế

Những số liệu trên thị trường cho thấy đồng CNY đang trong đà mất giá mạnh so với USD. Xu hướng này có lẽ sẽ vẫn tiếp tục vì cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang trong tình trạng bế tắc.

Như chúng ta đã thấy là vừa rồi Mỹ đã quyết định tăng thuế nhập khẩu đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc từ 10% lên 25% và ông Trump tuyên bố cân nhắc việc tăng áp thuế lên 300 tỷ USD còn lại.

Và về phía Trung Quốc, họ cũng đã phản ứng lại sự trừng phạt của Mỹ bằng cách, một là đánh thuế lại với hàng hoá Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc và hai là sử dụng chính sách ngoại hối là phá giá nhân dân tệ.

Tỷ giá Nhân dân tệ so với USD chỉ một vài ngày trước đang khoảng 6,88 CNY/USD thì nay (tại ngày 19/5) đã vượt 6,91 CNY/USD. Tôi cho với đà này thì tỷ giá USD/CNY thậm chí có thể sẽ lên tới 7 CNY/USD.

Ở bối cảnh này, hàng hoá Việt Nam thâm nhập vào thị trường Trung Quốc sẽ vấp phải không ít khó khăn do giá hàng hoá Việt Nam trở nên đắt hơn so với hàng Trung Quốc. Như vậy, nhìn chung là hàng hoá của Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam bị thiệt hại.

Tôi cho rằng cần điều chỉnh tỷ giá VND nhưng mình cũng không thể phá giá đồng tiền tương ứng theo tỷ lệ phá giá của CNY.

Chúng ta thấy CNY có thể rồi sẽ bị phá giá mạnh hơn nữa khi mà Mỹ tiếp tục lộ trình của họ áp thuế nhập khẩu 25% đối với 300 tỷ USD hàng hoá còn lại của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ (Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đâu đó hơn 500 tỷ USD).

Nếu chính quyền ông Trump áp thuế nhập khẩu ở mức cao với toàn bộ số hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc thì cuộc chiến này sẽ rất gay go, tạo nên một tình thế bất ổn cho cả kinh tế Mỹ, kinh tế Trung Quốc và kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam dựa rất nhiều vào hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam còn Trung Quốc lại là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất. Cho nên khi hai nền kinh tế này bị tác động tiêu cực bởi cuộc chiến tranh thương mại này thì nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng là không tránh khỏi.

Khi cuộc chiến này trở nên “khốc liệt” hơn thì Việt Nam có thể sẽ phải phá giá VND khá mạnh. Nếu diễn biến chỉ ở mức độ như hiện nay (Mỹ chỉ dừng lại ở mức đánh thuế 25% với 200 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc) thì mức độ mất giá của VND so với USD trong cả năm 2019 này sẽ vào khoảng 3% là hợp lý.

Còn nếu Mỹ mở rộng diện đánh thuế với 300 tỷ USD hàng hoá còn lại của Trung Quốc và Trung Quốc cũng phá giá CNY thêm nữa thì tôi nghĩ, mức điều chỉnh tỷ giá 3% trong năm nay có lẽ chưa đủ.

Trường hợp Việt Nam điều chỉnh tỷ giá mạnh để đối phó với tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại này thì hàng Việt Nam xuất sang Mỹ có bị “vạ lây”, nghĩa là Mỹ cũng sẽ đánh thuế nhập khẩu tương tự với hàng hoá Trung Quốc.

Bởi trong lần đến Việt Nam năm 2017 nhân sự kiện APEC thì ông Trump cũng đã nêu thông điệp cảnh báo rằng những quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, lợi dụng Mỹ để tiêu thụ hàng hoá thì có thể bị trừng phạt.

Có nguồn tin cho rằng, Mỹ đang xem xét các quốc gia thao túng tiền tệ và hiện tại, Việt Nam vẫn đáp ứng các chỉ tiêu không bị coi là “thao túng tiền tệ”. Song nếu như tới đây các tiêu chí liên quan đến tỷ lệ xuất khẩu trên GDP, tỷ lệ điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu… khiến Việt Nam bị đưa vào danh sách này thì có thể hàng hoá Việt Nam sang Mỹ cũng sẽ bị trừng phạt.

Nếu Mỹ tăng cường chính sách bảo hộ mậu dịch thì không chỉ Trung Quốc mà Mỹ cũng có thể áp dụng đánh thuế mạnh lên hàng hoá của các quốc gia khác trong đó có Việt Nam - vốn là nước xuất khẩu mạnh sang Mỹ và có thặng dư thương mại với thị trường này.

Tuy nhiên, tôi hi vọng đây chỉ là một đòn chính trị của ông Trump nhắm đến Trung Quốc nhằm tranh thủ lá phiếu của cử tri Mỹ trước thời điểm tranh cử mà thôi. Nghĩa là, những kịch bản tiêu cực hơn nữa sẽ không xảy ra.