Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI
Gặp lại một đứa bạn học người nước ngoài, tôi bảo với họ là đang làm trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, họ tròn mắt nói: "Wow. Thế chắc là thường làm việc với những người quyền lực lắm nhỉ?"
Tôi đành giải thích rằng: "Không!? Ở Việt Nam thì người làm luật không phải là người quyền lực nhất, mà là người thực thi luật cơ. Bởi dù người làm luật có viết đủ thứ vào luật, mà người thực thi không làm thì cũng chẳng sao."
Ví như ở nước tôi có Luật Tiếp cận thông tin, Quốc hội yêu cầu các bộ ngành địa phương phải đăng công khai hơn chục loại thông tin trên website, nhưng thực tế thì chẳng ai đăng cả, mà cũng chẳng có ai bị xử lý cả. Luật cứ để đó, rồi khi nào nước ngoài hỏi thì khoe ra và bảo nước tôi cũng công khai, minh bạch lắm.
Ví dụ ở nước tôi có Luật Trưng cầu ý dân, nhưng từ khi có luật đến nay, dân chúng chưa bao giờ được hỏi ý kiến cả. Và nhiều người trong chúng tôi vẫn tự hào chúng tôi là một quốc gia dân chủ đấy.
Ví dụ ở nước tôi còn có Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đấy. Thế nhưng mà người ta vẫn mang xe công đi đưa đón vợ con, vẫn cứ ném tiền vào dự án ngàn tỷ đắp chiếu, vẫn cứ xây chợ không người mua bán, vẫn bỏ tiền làm phim không có người xem, vẫn xây hội trường để cho thuê đám cưới…
Ví dụ ở nước tôi có Luật Cạnh tranh đấy. Nhưng mà cơ quan quản lý cạnh tranh thì không mấy khi làm việc, 15 năm qua mới chỉ có vài vụ việc đếm trên đầu ngón tay. Thế nên, người ta tự do nâng giá khi độc quyền, ngang nhiên yêu cầu người dân phải uống bia của tỉnh nhà, người ta còn mời báo chí đến đưa tin lễ ký kết thoả thuận cartel nữa.
Ví dụ ở nước tôi còn có Luật Phòng chống tham nhũng đấy. Cái này khỏi cần kể, chỉ cần ở nước tôi có mấy ngày mà cũng chứng kiến cảnh sát giao thông nhận tiền mãi lộ rồi đó.
Ở nước tôi người dân yếu thế được pháp luật bảo vệ, hỗ trợ tốt lắm. Từ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, Luật Thanh niên, Luật Người khuyết tật, Luật Người cao tuổi, Luật Phòng chống mua bán người, Luật Phòng chống bạo lực gia đình… Nếu xét trên giấy, dân nước tôi còn sướng hơn dân bạn. Nhưng trên thực tế thì bọn tôi buộc phải tự bảo vệ mình thôi, không trông mong được gì đâu.
À, nước tôi còn có Luật Phá sản đấy, có pháp luật giải quyết tranh chấp dân sự đấy. Nhưng nói thật là toà án và thi hành án làm ăn lề mề quá, lại ăn tiền nhiều quá, nên bọn tôi thuê xã hội đen đòi nợ nhanh hơn.
Mà điển hình nhất là ở nước tôi cũng có Hiến pháp đấy, nhưng chẳng có toà án bảo hiến, thế nên là những thứ vi hiến xuất hiện nhan nhản mà chẳng làm gì được.