Ông Ngô Văn Tuyển, Chuyên gia kinh tế
Trước đây xe đang lưu thông trên đường vành đai 3 tốc độ 80 km/h khi đổ xuống cầu vượt Mai Dịch thì không thể thoát nhanh vì phần lớn xe vẫn tiếp tục lưu thông theo đường Phạm Văn Đồng nên ùn ứ dài vào giờ cao điểm. Giờ có đường trên cao hướng tới cầu Thăng Long nên khả năng giải toả ùn tắc nhanh chóng.
Đường vành đai 3 trên cao giờ mở lối tại vị trí hồ Linh Đàm xuống đường Nguyễn Hữu Thọ, lượng xe dồn về nút giao thông có đèn tín hiệu đầu cầu Dậu. Lượng xe có dồn về bao nhiêu chăng nữa thì tốc độ lưu thông cũng phụ thuộc số xe có thể qua trong một nhịp đèn tín hiệu ở ngã tư này. Chính vì vậy lượng xe ùn ứ dài tới tận nút giao thông có đèn tín hiệu ở phía sau làm rối loạn luôn cả nút giao thông này.
Đường vành đai 2 trên cao với một lượng xe lưu thông nhanh chóng từ Ngã Tư Vọng đổ xuống trước nút giao thông Ngã Tư Sở phụ thuộc lượng xe thông qua ngã tư này trong nhịp đèn giao thông. Lượng xe ùn ứ còn chặn luôn cả số xe muốn rẽ phải không qua đèn tín hiệu. Tình hình giao thông ở ngã tư này bình thường đã không tốt giờ lại xấu hơn. Ta cũng chưa có một nút giao thông hiện đại nào không có giao cắt đồng mức để làm ví dụ điển hình và đáng phải áp dụng cho vị trí này.
Trong một dây chuyền sản xuất đồng bộ thì năng suất của dây chuyền bằng đúng năng suất của công đoạn hay chiếc máy chậm nhất. Vì vậy, nhiều khi đầu tư robot hoặc một máy tự động hiện đại mà không tính đến nhịp sản xuất đồng bộ thì chỉ để làm cảnh chứ không mang lại hiệu quả gì. Một đường cao tốc mà chặn bằng một trạm thu phí thì năng lực lưu thông xe trong một giờ bằng đúng lượng xe có thể qua trạm thu phí trong một giờ.
Giải bài toán ùn tắc giao thông của Hà Nội là giải các nút thắt cổ chai. Trung tâm Hà Nội do người Pháp quy hoạch thành các ô bàn cờ, không có đoạn đường nào quá dài dồn vào một nút giao thông. Đường Trường Chinh quy hoạch sau này dài hun hút mà không có các phố giao cắt xương cá là một điển hình. Giờ đô thị mở rộng về phía tây như đường Tố Hữu vừa dài vừa hẹp, cao ốc kín hai bên thì ùn tắc cũng sẽ theo ra đường mới mở.
Hà Nội hay cả TP.HCM không thể nói là có quy hoạch tổng thể. Chỗ nào trống là đô thị mọc lên. Nhà máy rời đi thì cao ốc chiếm chỗ. Đổi đất lấy hạ tầng thì càng không có quy hoạch đồng bộ. Ta thường lấy nghèo để bao biện cho bất cập giao thông. Thực tế ta không nghĩ xa để rồi thời gian sau phải sửa chữa khắc phục. Chi phí sửa lại còn tốn kém hơn nhiều lần, vì thế mới nghèo bền vững. Sợ nhất là có nút thắt tư duy nằm ở ngay trong đầu và không chỉ có ở giao thông.