Tin mới nhất, cách đây mấy ngày, là ngày 21/1, Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định Thương mại Việt Nam-RU (EVFTA). Đây là một bước quan trọng nhất đảm bảo khả năng Nghị viện Châu Âu sẽ chính thức thông qua Hiệp định trên để có thể có hiệu lực ngay trong tháng 2/2020.
Giờ thì chắc ai cũng đã hiểu Hiệp định này quan trọng thế nào cho cả 2 phía, nhưng nhất là Việt Nam, EVFTA sẽ dỡ bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu của 2 bên trong vòng 10 năm. 71% hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ được miễn thuế ngay trong ngày đầu tiên. Số hàng hóa còn lại sẽ được miễn trong vòng 7 năm. Thỏa thuận còn bao gồm các điều khoản về gỡ bỏ rào cản phi thuế quan, chỉ dẫn địa lý, về ngành dịch vụ, mua sắm công và phát triển bền vững.
Đã có nhiều nghiên cứu cho kết quả dự báo, với việc ký kết Hiệp định trên sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu của Việt Nam sang EU một thị trường phát triển, năng động hàng đầu của thế giới tăng thêm 42,7% vào năm 2025. Chúng ta có thể hy vọng hàng loạt mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam như cà phê, gạo, chè, hạt tiêu, cao su, cá basa, tôm sú... sẽ có thị trường đầu ra rộng lớn. Sẽ bớt đi tình trạng dư thừa nông sản, thực phẩm phải "giải cứu" hàng năm, bớt đi tình trạng được mùa mất giá như nhiều năm qua.
Những kết quả, thành tựu kinh tế năm 2019 cũng đã tiếp tục được khẳng định. Tốc độ tăng trưởng GDP cả năm qua, ước đạt khoảng 7%, thuộc hàng cao nhất thế giới và khu vực. Điều này là rất đáng tự hào trong bối cảnh, theo nhận định của nhiều tổ chức quốc tế, năm qua, kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm với nhiều rủi ro và bất ổn gia tăng.
Trước đó nữa, thông tin Việt Nam lần đầu tiên đạt tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 500 tỷ USD, chỉ sau 2 năm đạt thành tích 400 tỷ USD cũng là một dấu mốc mới rất quan trọng, ghi nhận sự phát triển của Việt Nam liên tục với năm thứ 4 xuất siêu liên tiếp, ở mức độ cao.
Kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh không chỉ cho thấy kinh tế Việt Nam vẫn phát triển nhanh, đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm xuất khẩu mà còn giúp tăng dự trữ ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cán cân thanh toán của nền kinh tế.
Một loạt các chỉ tiêu kinh tế quan trọng khác trong năm đều vượt chỉ tiêu Quốc hội giao như thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thành lập doanh nghiệp mới... cũng là những tin vui khác. Và cũng đáng ghi nhận, mặc dù môi trường kinh doanh vẫn còn những lời phàn nàn, nhưng việc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WTF) năm qua ghi nhận môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 3,5 điểm và 10 bậc cũng cho thấy, Việt Nam có nhiều nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đầu tư, kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp.
Với hàng loạt tin vui đầu năm đó, chúng ta cũng có thể tin rằng, năm 2020, nền kinh tế vẫn có triển vọng phát triển tốt trên nền của những nỗ lực mở rộng thị trường, phát triển kinh tế đối ngoại. Tất nhiên, nó cũng phải đi cùng với nhiều nỗ lực mới để tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc trong môi trường đầu tư ở trong nước, đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách thủ tục hành chính mạnh hơn nữa để người dân, doanh nghiệp vững tin mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Mạnh Quân