Fica

Người Việt “lạc quan” trước rủi ro Condotel

Đặng Hùng Võ
Đặng Hùng Võ

Ở Việt Nam nhiều nhà đầu tư thứ cấp quăng cả trăm tỷ đồng vào condotel nhưng “hợp đồng” rất sơ sài. Người Việt nhiều khi lạc quan, nghĩ rủi ro ở đâu đó xa xa, chẳng bao giờ rơi vào mình.

Ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Muốn hút được người mua thì phải đưa ra lợi nhuận cao hơn người trước. Thế nên cam kết ngày càng đẩy lên cao.

Ở Việt Nam hiệu ứng đám đông trong đầu tư là thực tế phổ biến. Theo đó, chỉ cần có người nói rằng đầu tư Condotel lợi nhuận lắm cũng có thể kéo theo sự thu hút của rất nhiều người.

Bên cạnh đó, Condotel thu hút được nhiều nhà đầu tư thứ cấp vì giá sản phẩm cũng chỉ ở mức vừa phải, với hơn 1 tỷ đồng là có thể tham gia đầu tư chứ không đắt đỏ như Shophouse hay Villas.

Tuy nhiên, cơ sở pháp lý cho loại hình này lại chưa có. Nhiều nhà đầu tư nghĩ đơn giản: Cứ làm đi cùng với hy vọng pháp luật chiều theo những gì mình kỳ vọng. 

Khi một số lãnh đạo cơ quan bộ ngành có khẳng định việc “không thể xem Condotel là căn hộ để ở. Sổ đỏ cấp cho các bất động sản này vì thế cũng chỉ có thể là sổ đỏ có thời hạn” đã khiến nhiều nhà đầu tư lung lay.

Khi nghe cơ quan quản lý nói đất cho dự án này có thời hạn thôi chứ không dài hạn thì khá nhiều nhà đầu tư ngoảnh mặt với Condotel. Cách đây 7-8 tháng rồi, nhiều nhà đầu tư thứ cấp đã nói với tôi là sẽ “chạy” thôi.

Lý do là bởi: Khi nhà đầu tư thứ cấp “chạy” thì đương nhiên việc thực hiện cam kết 12% là khó làm được.

Lấy nguồn ở đâu khi nhiều chủ đầu tư huy động kiểu “đa cấp”, dùng tiền người mới tham gia trả cho anh đã góp vốn rồi.

Ngay cả đối với chủ đầu tư, họ cũng chưa chắc ý thức mình không trả được mà nghĩ rằng Condotel sẽ cứ một ngày càng phát triển hơn, nhiều nhà đầu tư tham gia hơn.

Còn về việc phát sinh tranh chấp đối với hợp đồng mua bán Condotel, việc giải quyết như thế nào phụ thuộc vào những gì đưa ra trong hợp đồng.

Tuy nhiên, hợp đồng mua bán bất động sản hình thành trong tương lai hay bất động sản hiện hữu của Việt Nam đều “đơn giản".

Do vậy, nhiều nhà đầu tư thứ cấp quăng cả trăm tỷ đồng vào condotel nhưng “hợp đồng” rất sơ sài. Người Việt nhiều khi lạc quan, nghĩ rủi ro ở đâu đó xa xa, chẳng bao giờ rơi vào mình.

Với bất động sản hiện hữu ở Việt Nam, từng thấy nhiều trường hợp, đưa tiền rồi đưa sổ đỏ mà không kèm các hợp đồng đi kèm khi phát sinh vấn đề.

Ở nước ngoài, họ soạn hợp đồng 30-40 trang khi mua bất động sản hiện hữu, nhìn vào hoa cả mắt. Theo đó, họ đặt ra trường hợp này xảy ra thì sẽ như thế này, thế kia. Còn ở Việt Nam chỉ viết vài dòng để hai bên ký vào đó. Chính sự đơn giản quá là sự bất lợi khi có tranh chấp.