Ông Bùi Trinh, Chuyên gia Kinh tế
Thực tế, từ năm 2010 trở về trước, dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam khá thấp. Trong top 10 quốc gia đầu tư vào Việt Nam, hầu như không có tên của Trung Quốc.
Nhưng gió đã đổi chiều, kể từ năm 2011 trở lại đây, vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam có sự thay đổi đáng kể. FDI của Trung Quốc tại Việt Nam liên tục vươn lên trong vị trí xếp hạng, tăng về quy mô, thay đổi về hình thức, lĩnh vực, mở rộng về địa bàn.
Điển hình là từ năm 2015 trở lại đây, cùng với việc Việt Nam lên kế hoạch tham gia Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Trung Quốc thường nằm trong tốp 10 quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, điều này là để đón đầu cơ hội thâm nhập thị trường béo bở TPP và hoặc sau này là thị trường theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Tôi cho rằng, với những động thái đó, dường như Trung Quốc cũng đã đón đầu được cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.
Bởi tại Việt Nam, trong số 38 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới trong 2 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 588,9 triệu USD, chiếm 24,1% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh FDI nói chung và FDI từ Trung Quốc nói riêng không mang lại lợi ích gì thực sự cho nền kinh tế và người dân Việt Nam. Nhưng dường như người ta chỉ quan tâm đến tăng trưởng GDP, nhưng khi tăng trưởng GDP dựa vào FDI thì tăng trưởng về luồng tiền ra thông qua chi trả sở hữu cao hơn tăng trưởng GDP nhiều.
Tôi cho rằng càng mê cuồng tăng trưởng GDP thì nguồn lực của nền kinh tế càng yếu đi. Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ có thể làm tăng GDP một chút nhưng nguồn lực thực sự thông qua tiết kiệm (saving) càng giảm. Nếu không thay đổi mà chỉ nghĩ đến “ăn hôi” khi ai đó chiến tranh với nhau không phải là một đối sách hay và bền vững.
Ngoài ra, hiện nay, các DN Việt đang làm ăn kiểu nhập hàng Trung Quốc về thay nhãn mác rồi xuất đi nước ngoài, thậm chí là Mỹ. Cách làm này dù ít hay nhiều thì cũng cần thay đổi. Bởi làm như vậy phía Việt Nam thực chất không được lợi gì nhiều, hàm lượng giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị của sản phẩm rất thấp; thành tích xuất khẩu kiểu này thực chất là xuất khẩu hộ nước khác, các doanh nghiệp Việt ở giữa ăn một chút ít.
Và người Mỹ không phải là tay "mơ". Nếu họ quay sang trừng phạt thương mại Việt Nam thì lợi bất cập hại. Kiểu làm ăn “tôi trên hết” là kiều làm ăn chẳng hay ho gì về mặt kinh tế cũng như về mặt con người.
Nếu muốn dần thay đổi thì điều đầu tiên là cần thoát khỏi bệnh thành tích và lấy lợi ích thực sự đối với nền kinh tế trong nước làm trọng, từ đó thay đổi cách thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng với tình trạng lấy cái tôi làm trọng thì rất khó minh bạch và thay đổi.
Các nhà đầu tư Trung Quốc chọn Việt Nam phải chăng vì chiến lược của Chính phủ nước này hiện nay có phần thay đổi, đó là khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài để thu lợi từ sở hữu, bù đắp cho những khó khăn ở trong nước nhằm làm tăng tổng thu nhập Quốc gia (GNI) và cuối cùng là làm tăng tiết kiệm trong nước.
Cho đến nay, thực trạng kinh tế Trung Quốc đã được che đậy dưới lớp vải điều hào nhoáng với một tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục trong nhiều năm, khiến nhiều người quên rằng tăng trưởng GDP không phải là vấn đề nghiêm trọng nhất của Trung Quốc.
Thế nhưng, những ngờ vực về sức mạnh thực sự của nền kinh tế Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều, khi hiệu quả sản xuất ngày càng giảm.
Như vậy, tăng trưởng của Trung Quốc không thể đạt tốc độ như đã công bố, thậm chí thấp hơn số công bố khá nhiều. Hơn nữa kinh tế Trung Quốc là một nền kinh tế “công xưởng” mà ở đó phía cung dựa vào nhập khẩu khá nhiều và phía cầu dựa vào xuất khẩu. Khi nhập khẩu giảm cũng có nghĩa sản xuất giảm sút và phía cầu xuất khẩu giảm cũng tạo vòng xoáy cho việc sụt giảm GDP.
Khi cố gắng vượt qua khó khăn nội tại về kinh tế, Trung Quốc càng đẩy mạnh đầu tư, nhưng sự cố gắng này dường như đã tới hạn do nợ công ngày càng có xu hướng tăng cao.