Fica
  1. Góc nhìn

nCoV và nguồn cung

Ngô Văn Tuyển
Ngô Văn Tuyển

Trung Quốc gặp nạn virus, người từ Vũ Hán dù đã phong tỏa nhưng trước đó đã kịp tỏa đi khắp nơi và bệnh dịch cũng đi theo. Đấy mới chỉ là một thành phố, một tỉnh. Cả nước Trung Quốc có biết bao mối quan hệ với thế giới. Trung Quốc bán đủ thứ thiên hạ cần. Giờ họ đổ bệnh, kinh tế thế giới cũng lao đao.

Ông Ngô Văn TuyểnTổng Giám đốc Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEA)

Trước đây, chủ nghĩa tư bản phát triển và các cuộc chiến tranh là để mở rộng thị trường và tìm kiếm tài nguyên cho cỗ máy kinh tế. Giờ thì chẳng cần mở rộng biên giới, mua bán mặc sức. Trung Quốc vừa mua vừa bán, cần bao nhiêu cũng có, giá nào cũng có. Các nước muốn sạch, muốn rẻ, muốn kiếm lợi từ số lượng lớn đều tìm đến Trung Quốc và học cần mẫn đáp ứng.

Việt Nam ngày trước đã cố tự lực cánh sinh. Chính Trung Quốc cũng góp một phần giúp Việt Nam công nghiệp nhẹ như: dệt 8/3, dệt Nam Định, dệt Minh Phương (Việt Trì). Công nghiệp nặng như: luyện kim, hoá chất, chế tạo một thời với những tên tuổi như: Gang thép Thái Nguyên, động cơ Trần Hưng Đạo, nông cụ Hà Tây, công cụ số 1, dụng cụ cắt...

Kinh tế thị trường quét qua, các doanh nghiệp Việt Nam không trụ nổi như những cơ thể ốm yếu không sinh được kháng thể trước virus. Hơn 30 năm đổi mới, nhưng cơ chế giờ vẫn loay hoay lo chuyển đổi, bán vốn nhà nước. Các nhà máy niềm kiêu hãnh một thời bỗng trở thành tội đồ khi không thích nghi được. Yếu kém lại là cái cớ để các nhà máy nhếch nhác bị bứng đi nhường chỗ cho các công trình bất động sản sạch sẽ hoành tráng.

Trung Quốc thì khác! Họ đã rất nhanh bước ra chợ lớn mà không bận tâm lắm vốn của ai. Thế giới cứ việc sáng tạo mà kiếm tiền. Trung Quốc chọn nhặt nhạnh đủ việc, ai chê thì họ làm. Chỉ có làm nhiều mới thoả mãn nhu cầu hơn một tỉ dân. Đã quen làm nhiều thì phục vụ tỉ tỉ bên ngoài cũng đơn giản. Không có gì thế giới dùng mà Trung Quốc không làm. Không những thế nhiều sản phẩm của các nước khác hồn thì của nước đấy, nhưng xác thì của Trung Quốc.

Dịch nCoV đến khẩu trang ta cũng không đủ vì vật tư phụ thuộc Trung Quốc. Thuốc chữa bệnh ngay cả Pháp cũng gặp khó khi nguyên liệu mua Trung Quốc. Các ngành kinh tế quan trọng của ta thì doanh nghiệp Việt hay doanh nghiệp có vốn nước ngoài cũng mua đủ thứ từ Trung Quốc. May mặc, da giày, điện thoại, cơ khí,... vật tư linh kiện đủ loại khi gặp nCoV mới bộc lộ ta chẳng tự cung được.

Nói tới Trung Quốc nhiều người không thích, không thích Trung Quốc thì học Hàn Quốc hoặc Đài Loan. Đi đúng quy luật để phát triển thì nước nào cũng giống nhau, đi không đúng thì vẫn phải đi lại. Phần móng của ngôi nhà không ai nhìn thấy, nhưng nhà thiết kế xây dựng cần biết phải làm gì. Giờ ta vẫn loay hoay định nghĩa doanh nghiệp nhà nước, bán vốn nhà nước, ai là chủ đạo, ai chủ quản e rằng quá lạc hậu. Virus trì trệ dai dẳng còn khó trị hơn nCoV.