Fica
  1. Góc nhìn

Mỹ không muốn Trung Quốc tranh giành các nguồn lực phát triển

Nguyễn Trần Bạt
Nguyễn Trần Bạt

Sự mạnh lên của Trung Quốc gây lo ngại kinh tế với Mỹ, vì hai bên sẽ tranh giành thị trường của nhau, tranh giành ảnh hưởng của nhau, tranh giành khả năng bán hàng của nhau và tranh giành khả năng chiếm dụng các nguồn nhiên liệu trên thế giới.

Ông Nguyễn Trần Bạt, Luật sư - Doanh nhân 

Hay nói cách khác, sự mạnh lên của Trung Quốc sẽ phát triển là một quá trình tranh giành các nguồn lực phát triển. Điều này Mỹ không hề mong muốn.

Việc áp thuế cao với một lượng hàng hóa lớn của Trung Quốc là cách duy nhất có thể dùng ngay được bây giờ. Người Mỹ muốn đòi lại sự cân bằng đã đánh mất do sự mất cảnh giác của họ ở các giai đoạn chính trị khác nhau.

Có thể vào những giai đoạn trước thì cán cân thương mại chưa phải là lợi ích chủ yếu của các nước phương Tây ở Trung Quốc. Chỉ cần xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc một ít thôi thì cũng đã có lợi cho Mỹ và phương Tây.

Tôi đã đến Mỹ từ rất sớm, từ cuối những năm 1980, đầu những năm 1990 và chứng kiến người ta hô hào nhau đến Trung Quốc như thế nào. Trường đại học Harvard đã có cả một trung tâm nghiên cứu về phương Đông và chủ yếu là nghiên cứu về Trung Quốc.

Nghiên cứu Trung Quốc để thâm nhập vào đấy là một hoạt động có từ lâu và là hoạt động chủ động của người Mỹ. Nhưng giai đoạn ấy hoạt động thương mại chưa rõ, mà chủ yếu là hoạt động đầu tư.

Bây giờ, sau 30-40 năm phát triển của toàn cầu hóa thì cân bằng lợi ích cơ bản giữa Mỹ, phương Tây và Trung Quốc chính là cân bằng thương mại. Vì vậy mà Tổng thống D.Trump đã chọn thương mại để cân bằng lại lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc bây giờ cũng không cần tiền như trước đây cho nên họ không kêu gọi đầu tư từ Mỹ mà xem Mỹ là chỗ bán hàng. Cùng với sự phát triển của toàn cầu hóa thì vấn đề cân bằng thương mại trở thành vấn đề chính trị chủ yếu giữa Mỹ và Trung Quốc.

Sức mạnh của bên này luôn luôn là nỗi lo của bên kia, đấy là quy luật thông thường, đây là cách nói cách chung chung. Các nước trên thế giới quan hệ với nhau thông qua các hiệp định thương mại tự do song và đa phương thế hệ mới (FTA).

Trong tất cả các FTA đều có một điều không thiếu được là cân bằng lợi ích. Nhưng rõ ràng sự va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là sự va chạm trên các hiệp định hẹp mà là sự va chạm trên quy mô toàn cầu. Đây là hiện tượng rất thú vị để quan sát cũng như rất phức tạp để tìm hiểu, cho nên phải quan sát thận trọng.