Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao
Hiện nay, 70% nông sản Việt Nam đang xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, bao nhiêu phần trăm không bán được mang về cũng đều khổ. Huống chi Trung Quốc đang chủ trương giảm dần đến ngưng luôn giao thương biên mậu, thì thảm họa giải cứu sẽ càng tăng vô cùng rối.
Mới đây, những dấu hiệu cảnh báo gần nhất đã diễn ra như xe tải chở dứa quay đầu về, xổ cả xe xuống cho bò ăn. Ta than họ cắt cầu. Nhưng không hẳn vậy, từ tháng 5/2018, Trung Quốc đã đưa ra qui định cho nông sản nhập từ Việt Nam: bắt đầu truy xuất gắt nguồn gốc và giảm dần, dẫn đến chấm dứt buôn bán biên mậu.
Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp PTNT đã có thông báo tình hình này gần nhất là hôm cuối tháng 1/2019. Nhưng một câu chuyện rất đáng chú ý đã xảy ra.
Mấy hôm nay, một tờ báo lớn đã nêu tin lạ: “dưa Việt Nam phải dán tem Trung Quốc để xuất”. Chính quyền địa phương (xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) thắc mắc sao thương lái Trung Quốc buộc nông dân trồng dưa phải dán tem do Trung Quốc phát hành thì mới xuất qua Trung Quốc được. Viên chức địa phương lo là...lâu dài mất thương hiệu dưa Quảng Nam.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN. PTNT giải thích: “Quy định này đã được Trung Quốc yêu cầu áp dụng từ đầu 2019, nhưng ta yêu cầu họ cho “một độ trễ nhất định cho hàng hóa từ Việt Nam”.
Và ông nói chi tiết hơn: "Từ tháng 9-2018, chúng tôi đã cung cấp cho phía nhập khẩu thông tin về diện tích trồng các loại quả, sau đó phía nhập khẩu là Trung Quốc đã cấp mã số cho các doanh nghiệp Trung Quốc làm xuất nhập khẩu để họ cấp lại cho các doanh nghiệp Việt Nam dán lên sản phẩm. Tem đó nêu loại quả, sản xuất ở đâu, tên quả, vùng trồng..."
Như vậy đích thị Trung Quốc đã phát hành tem để dưa hấu Việt Nam nhập hợp pháp vào Trung Quốc đúng theo quy định của họ, trong khi viên chức Bộ Nông nghiệp nghĩ vẫn đang còn “một độ trễ nhất định” cho sản phẩm Việt Nam. Đáng lo hơn, chính quyền địa phương, những người sát dân nhất cũng không biết về thủ tục này và nhà báo cũng...không biết luôn? Đáng lo không!?
Họ làm đúng quy định đã công bố năm ngoái. Cấp Bộ của ta thì biết nhưng tưởng còn có độ trễ, còn các cấp thì không hề biết, nói chi nông dân? Và rồi có ai thấy, việc thiếu thông tin đã là chuyện quá bức bách cho nông dân và nông sản Việt?
Hệ thống thủ tục và yêu cầu kiểm soát của Trung Quốc rất dài dòng, nghiêm ngặt và phức tạp. Muốn bán hàng cho người ta thì phải tuân thủ, không thì cứ dứt khoát không mua bán, đem hàng bán chỗ khác. Ngay chứng nhận và cho nhập sản phẩm hữu cơ của một công ty làm ăn chính ngạch với họ tới 20 năm rồi, cũng phải “đúng bill” vậy.
Thị trường lớn quá, tự hào dân tộc lớn không kém, họ có luật riêng: phải dán tem lên từng trái mít, gói mít nhập khẩu, sót tem trái nào loại trái đó (có lẽ vì họ là trùm thiên hạ về làm hàng giả nên quá đủ kinh nghiệm để đòi hỏi ngặt nghèo đến cùng?). Mà dán tem Trung Quốc nhưng mã vạch và QR code dành cho sản phẩm từ Việt Nam, thể hiện xuất xứ Việt Nam thì tốt cho thương hiệu Việt Nam và nâng cao trách nhiệm nhà xuất khẩu chứ sao?
Chuyển qua làm ăn chính ngạch, sẽ có hàng loạt thay đổi theo hướng không “nuông chiều” quán tính làm ăn của người Việt là lười tìm hiểu chính sách và thông tin thị trường. Không tin nhau và hay đi ngõ sau, đánh lẻ, kém tính kỷ luật, hứa đại, nhận càn rồi khó quá thì...bẻ kèo.
Một trở ngại lớn là Trung Quốc hoàn toàn khác các nước, họ luôn đòi hỏi vai trò, trách nhiệm trực tiếp của nhà nước sở tại như: cấp chứng thư chất lượng, đưa danh sách doanh nghiệp đủ chuẩn xuất khấu, cấp chứng nhận cơ sở đóng gói đạt yêu cầu, cấp chứng nhận an toàn thực phẩm...
Cơ quan chức năng chậm là doanh nghiệp thiệt thòi, huống chi có khi “dân cần quan không vội”, hay bị lúng túng, không có kinh nghiệm hành xử hiệu quả hoặc đòi doanh nghiệp “biết điều”.
Cho nên chuyện xuất khẩu chính ngạch không chỉ khó cho phía nông dân, thương nhân và doanh nghiệp Việt Nam mà cũng cực kỳ cấp bách và khó khăn cho nhiệm vụ của viên chức nhà nước, các cơ quan nhà nước liên quan.
Chuyện chậm trễ hay tắc trách trong cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện các thủ tục của các cơ quan nhà nước dẫn tới thiệt hai cho người sản xuất kinh doanh và nền kinh tế. Nếu vẫn không có ai giám sát và yêu cầu giải trình thì khó mà nói chuyện giảm dần, ngừng hẳn chuyện giải cứu nông sản.