Fica
  1. Góc nhìn

“Mơ” chuyện công khai báo cáo đánh giá tác động MT

Nguyễn Minh Đức
Nguyễn Minh Đức

Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn kiên quyết không công khai các báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế VCCI

Sau rất nhiều ý kiến đề nghị phải công khai các báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã sửa đổi Nghị định 18 theo hướng sẽ "công khai Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường " trên website của Bộ và của các Sở. Nhưng vẫn kiên quyết không công khai các báo cáo đánh giá tác động môi trường. Báo cáo này chỉ được gửi cho các cơ quan, đơn vị trong bộ máy Nhà nước.

Xin nói thêm là Nghị định này yêu cầu các chủ dự án khi nộp báo cáo đánh giá tác động môi trường thì phải nộp cả bản cứng lẫn bản mềm, tức là nếu muốn đăng tải, Bộ còn chẳng mất công scan tài liệu mà chỉ cần upload là xong.

Trong khi Điều 131 Luật Bảo vệ môi trường ghi rõ: Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được công khai.

Nếu nói việc lấy ý kiến trong quá trình làm đánh giá tác động môi trường là công khai thì cũng không đúng. Vì lấy ý kiến chỉ là bản nháp của báo cáo đánh giá tác động môi trường, sau khi lấy ý kiến còn chỉnh sửa, sau khi thẩm định còn chỉnh sửa. Vậy dân biết bản nháp có ý nghĩa gì? Hơn nữa, việc lấy ý kiến chỉ tập trung vào UBND cấp xã, việc lấy ý kiến qua họp cộng đồng do UBND cấp xã tự làm.

Nếu coi việc công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường là trách nhiệm của chủ dự án thì thực không phải tí nào. Vì chẳng có quy định nào nói chủ dự án phải làm việc này, và không làm thì cũng không có chế tài xử phạt. Hơn nữa, các cơ quan Nhà nước đã có toàn bộ các báo cáo đánh giá tác động môi trường bản mềm trong tay, đều đã có website, vậy họ công bố là thuận tiện nhất rồi còn gì.

Nếu dự án có bí mật kinh doanh của doanh nghiệp thì che hoặc bỏ những thông tin đó trước khi công khai cũng được chứ sao. Dân chỉ cần biết những thông tin liên quan đến môi trường sống của họ thôi, còn bí mật của doanh nghiệp thì doanh nghiệp cứ giữ.

Cuối cùng thì, dân vẫn không được biết, chỉ có cán bộ biết. Và dân buộc phải phó mặc sức khoẻ, sự sống của mình và gia đình cho cán bộ, chỉ mong cán bộ đừng “bán đứng” dân vì mấy cái phong bì.

Vậy mà lúc nào cũng hô khẩu hiệu: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".